Vì cuộc sống là không chờ đợi

14:37, 08/07/2015

Cái tin ngành Đường sắt tổ chức tuyến tàu Thái Nguyên - Hà Nội chỉ mất có hơn 2 tiếng đồng hồ được loan đi khá nhanh, và tôi nảy ra ý định làm chuyến du lịch “bụi”. Một ngày ở Thủ đô, tôi đã có trong tay danh sách những địa chỉ ăn, chơi thú vị.

Sau đợt nắng nóng đến 40 độ C, sáng Chủ nhật (5-7), tôi nghe dự báo thời tiết: “Phía Đông Bắc bộ trời dịu mát, nhiệt độ trunh bình 25-30 đô C”, chúng tôi xách ba lô lên đường. Hà Nội cách Thái Nguyên 75 km. Nếu đi ô tô riêng qua đường cao tốc chỉ hết hơn 1 tiếng, đi ô tô khách (không đi đường cao tốc và lái xe còn vòng vo đón khách) mất 2 tiếng rưỡi. Tàu hỏa bấy lâu nay chạy ì ạch gần 4 tiếng. Thế nên dễ đến hàng chục năm nay tôi không đi tàu. Nhiều lúc muốn nhìn mấy nhà ga từng gắn bó thời sinh viên như Lưu Xá, Lương Sơn, Trung Giã, Gia Lâm…, nhưng nghĩ đến 4 tiếng ngồi trên tàu lại bỏ ý định lên tàu.

 

Vì thế, nghe tin đoàn tàu “già nua” chạy tuyến Thái Nguyên - Hà Nội xưa kia được cải tạo, chỉnh trang cho đẹp, lịch sự hơn, nhất là chạy nhanh hơn, giảm gần một nửa thời gian so với trước, tôi rất vui. Mấy đồng nghiệp xui: “Chị đi tiền trạm, rồi thì 3-4 gia đình cho con cái đi du lịch bằng… tàu”. Thật là một ý kiến hay.

 

Đúng 5 giờ 40 phút, tàu xình xịch vào ga Thái Nguyên. Cầm vé trên tay, tôi tìm đến toa, ghế của mình. Đây là toa ghế cứng có điều hòa, giá vé 43.000đ/người (đi từ Thái Nguyên đến Long Biên). Còn hai loại vé khác rẻ hơn là 37.000đ và 34.000đ (ghế cứng không điều hòa). Tàu khá sạch sẽ, mỗi ghế 2 người ngồi, chiếc bàn nhỏ đặt giữa (thiết kế như tàu Thống nhất). Ngồi ghế đối diện chúng tôi là 3 mẹ con chị Hương, nhà ở Gia Lâm, chồng chị là người Thái Nguyên.

 

- Cháu chỉ có đi tàu, đi ô tô say không chịu nổi. Từ ngày tàu “khổ” đến giờ tàu “sướng” tháng nào cháu cũng đi dăm chuyến, tầm này về đến nhà có khi mọi người chưa ngủ dậy.

 

Hai đứa trẻ con chị Hương chạy loăng quăng trong toa, chả mấy chốc đã tập hợp được dăm đứa sàn sàn tuổi chơi trốn tìm, cười nói râm ran. Thỉnh thoảng nhân viên đường sắt đến kiểm tra nhiệt độ trên tàu, hỏi mọi người: Các bác có cần mát hơn không?

 

Rỗi rãi, tôi đi xem các toa. Khoang vé rẻ tiền nhất cũng chỉ khác ở chỗ không có điều hòa, cửa sổ mở, gió lùa mát rượi. 

 

Gần 8 giờ, tàu vào ga Long Biên. Nhân viên đường sắt mặc áo dài, đứng bên chiếc thùng đề tấm biển “ Quý khách vui lòng cho xin vé”, khách bỏ vé vào thùng, chỗ soát vé nhờ thế sạch sẽ, lịch sự.

 

Trên tàu, tôi được Hương mách: - Cô chú ăn phở bò quán Cường, Hàng Muối nhá, thế nên khi xuống tàu là chúng tôi đi tìm phở. Chỉ mấy chục mét từ ga Long Biên là đến chợ Đồng Xuân. Nhưng sáng sớm ra tốt nhất chưa nên đi chợ.

 

Phở Cường quả là nổi tiếng ở Hà Nội vì hỏi thăm ra Hàng Muối là mọi người hỏi, ăn phở Cường hả? Người ăn phở đông nghịt, nhưng phục vụ rất nhanh. Phở đặc trưng Hà Nội, nước dùng nóng bỏng, ngon tuyệt, giá 35 nghìn đồng/bát, ăn xong khách được chủ quán mời một thanh kẹo cao su. Nếu không thích ăn phở, bạn có thể đến quán xôi Yến (phố Nguyễn Hữu Huân). 50.000đ/đĩa xôi cộng với lớp thịt gà chặt mỏng xếp kín bên trên. Ra khỏi phố ăn sáng là bước vào thế giới của cà phê. Dọc Mã Mây, quán cà phê sang trọng, chủ yếu dành cho người nước ngoài. Trước số 39 Tạ Hiền có đến gần trăm người ngồi tràn xuống đường, tay mỗi người cầm một cốc cà phê. Riêng Tạ Hiền, tôi đếm được hàng chục Galary tranh và ảnh. Nếu không vội vã, bạn có thế ngắm ảnh, tranh ở đây cả ngày không thấy chán. Tôi “lạc” ngay vào Galary tranh cổ động của ông Trần Miễn ở số 3, Tạ Hiền. Ở đây có nhiều bức vẽ từ những năm 1950-1960, hô hào toàn dân xóa mù chữ, hoan hô quân và dân ta bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.500. Tác giả những bức tranh này là các họa sĩ nổi tiếng, nhiều người đã mất. Ông Trần Miễn hồ hởi trả lời các câu hỏi của khách. Mua một bức làm kỷ niệm, tôi được ông dặn dò cách lồng khung, quấn tranh cho vào túi rất chu đáo.

 

Chúng tôi đi bộ thêm một đoạn đến số 9 Đinh Tiên Hoàng, leo cầu thang gỗ lên tầng 7 gọi hai tách cà phê. Giá một tách cà phê ở đây đắt hơn chỗ khác (60 nghìn đồng/ly), nhưng bù lại, từ trên cao chúng tôi được ngắm trọn vẹn Hồ Gươm xanh mướt, cầu Thê Húc đỏ cong cong, Đền Ngọc Sơn ẩn mình trong tán cây ngàn tuổi. Uống cà phê xong, chúng tôi xuống phố, hòa mình vào dòng người dạo quanh Hồ Gươm, vào Đền Ngọc Sơn, ngôi đền cổ kính này có Tháp bút, Đài nghiên, Cầu Thê húc, tiêu bản rùa thần được bảo quản trong tủ kính, cùng câu chuyện kể về truyền thuyết hồ Hoàn Kiếm (còn gọi là Hồ Gươm).

 

Ra khỏi đền, dạo một vòng bờ hồ, chụp ảnh cùng hoa lá, cùng rễ cây cổ thụ ngả thân la đà sát mặt nước. Đồng hồ Bưu điện Trung tâm điểm 12 giờ trưa, người thấm mệt, chúng tôi tìm chỗ nghỉ chân. Khách sạn Bôđêga gần plaza Tràng Tiền hoành tráng, thuê nghỉ trưa 200 nghìn/3 tiếng. Chúng tôi để hành lý, xỏ chân vào dép khách sạn lang thang ra 26B Lý Thường Kiệt. Ở đó, một phụ nữ “nhà quê” luôn tay rán đậu, rán chả, pha mắm tôm, soạn cho khách mâm bún đậu nóng hổi. Khách ngồi la liệt dưới gốc xà cừ cổ thụ, ăn ngon lành đĩa bún trắng muốt, no bụng chỉ hết 25 nghìn đồng/suất.

 

Có thể quay về khách sạn, đánh một giấc đẫy mắt, cũng có thể vui chân ra phố Đinh Lễ gần đấy mà xem sách. Cơ man là sách các loại, lật xem tại quầy miễn phí thoải mái. Hai giờ chiều chúng tôi lên đường hướng về Ga Long Biên. Nếu thích mua sắm, ta có thể vào plaza Tràng Tiền. Nếu không, dày hai bên phố là đồ hạ giá, váy công sở hàng hiệu từ 300 đến 500.000đ; bộ đồ mùa hè mẫu mã đẹp cũng chỉ hơn 100 nghìn. Hoa quả đầy ắp trên các xe đẩy. Các món ngon Hà Nội như bún dọc mùng, cơm gạo de, bánh khúc, ốc hương… mời chào. Chúng tôi dừng chân ở công viên Lý Thái Tổ, vườn hoa Hàng Đậu, vừa là nghỉ ngơi vừa ngắm hoa ngắm cảnh. Nhìn thấy ga Long Biên rồi nhưng còn sớm chán, chúng tôi ghé vào chợ Đồng Xuân. Dù mua hay không thì cũng dạo một vòng khu chợ nổi tiếng cả nước này. Đây là công trình do chính quyền Pháp xây dựng năm 1890. Tại đây đã diễn ra các trận chiến ác liệt giữa Vệ quốc quân chống lại lính lê dương của Pháp, rất nhiều Vệ quốc quân đã hi sinh trước khi rút khỏi Hà Nội.

 

Đúng 16 giờ, chúng tôi có mặt ở ga Long Biên. Mua vé, ngồi nhà chờ chốc lát, đã có tiếng loa mời hành khách ra tàu. Chuyến về nhanh chóng như chuyến đi, xuống ga Thái Nguyên đúng 18 giờ 30 phút, tôi ghé chợ Đồng Quang mua thức ăn về nhà vẫn kịp nấu bữa cơm chiều.

 

Chuyến du lịch gọn ghẽ 13 tiếng đồng hồ, chúng tôi đặt chân qua nhiều phố cổ Hà Nội, ngắm nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, ăn và uống những thứ đích thị trên đất Tràng An. Tổng chi phí khoảng 400.000đ/người

Du lịch đâu cứ phải nhiều tiền, cũng đâu cần phải nghỉ dài ngày đặt vé máy bay trước cả tháng. Thích là nhích. Vì cuộc sống là không chờ đợi.