Vụ thảm sát ở Bình Phước: Cần đưa tin trung thực, chính xác

15:41, 11/07/2015

Vừa qua, cả xã hội bàng hoàng về vụ thảm sát gia đình ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi, chủ Công ty gỗ Quốc Anh, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) làm 6 người chết. Đây là hành động man dợ, hết nhân tính, kẻ thủ ác phải bị nghiêm trị bởi pháp luật.

Trước sự việc trên, các nhà báo, các cơ quan báo chí đặc biệt là báo mạng và trang mạng xã hội ồ ạt đưa tin về vụ thảm sát này. Đưa tin về vụ việc, đặc biệt là đưa tin về các cơ quan chức năng, quần chúng nhân dân tích cực đấu tranh truy tìm hung thủ và tố giác tội phạm là rất cần thiết. Thế nhưng, có điều làm cho chúng tôi thấy đau lòng trước hàng loạt thông tin rất khác nhau giữa các cơ quan báo chí, thậm chí ngay cùng một tờ báo thông tin đưa ra cũng rất “đá” nhau gây hoang mang dư luận, khoét sâu vào nỗi đau của gia đình ông Mỹ.

 

Đặc biệt, từ khi có thông tin lực lượng công an bắt được hai nghi can trong vụ án là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến thì các nhà báo, các cơ quan báo chí lại càng đưa nhiều tin và có rất nhiều thông tin khó hiểu. Buổi sớm ngày 11-7, trên Báo Điện tử Dân Việt (Báo Điện tử của Báo Nông thôn ngày nay) đăng bài: “Thảm sát ở Bình Phước: Nghi phạm có chìa khóa căn biệt thự”. Trong bài này có đoạn: “Khai với cán bộ điều tra, Dương nói sau khi bịt mặt, mang găng tay, ủng cùng hung khí Dương chạy một chiếc xe máy khác với xe máy hằng ngày để đến nhà ông Mỹ. Do đã có sẵn chìa khóa cổng của căn biệt thự nên Dương mở cửa rồi đi thẳng vào cổng chính như chốn không người…”.

 

Trong khi đó, cũng buổi sáng ngày 11-7, Báo Tuổi trẻ online lại thông tin rất khác. Bài thứ nhất có tiêu đề: “Một nạn nhân vụ thảm sát vô tình tiếp tay hung thủ”. Nội dung có đoạn: “Biết em Dư Minh Vỹ (14 tuổi, cháu ông Mỹ, nạn nhân trong vụ án) mê chơi game nhưng luôn thiếu tiền nên Dương nhắm vào em Vỹ. Dương bàn bạc, móc nối với em Dư Minh Vỹ để nhờ Vỹ làm “tay trong”, thông tin về lịch sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Dương hứa với Vỹ chỉ vào đóng giả cướp, dọa gia đình ông Mỹ lấy tiền, rồi sẽ chia tiền cho Vỹ tiêu xài. Do Vỹ cần tiền nên đồng ý giúp Dương. Rạng sáng 7-7, có hẹn trước và liên lạc thường xuyên, Vỹ là người ra mở cửa cho Dương và Tiến vào nhà. Ngay khi vừa vào bên trong cửa, Dương và Tiến khống chế Vỹ. Tiến giữ tay chân và bịt miệng, còn Dương dùng dao sát hại Vỹ. Tiếp theo đó, cả hai vào nhà, lần lượt khống chế các nạn nhân, trói chân tay, bịt miệng và sát hại từng người…”.

 

Bài thứ hai cũng trên Báo Tuổi trẻ online có tiêu đề: “Nghi can thảm sát 6 người tâm sự xong mới giết bạn gái”. Nội dung bài báo có đoạn: “Lời khai của Dương cho thấy lúc đầu Dương dụ dỗ được Dư Minh Vỹ giúp làm tay trong, Vỹ đồng ý. Tuy nhiên, sau đó Vỹ đổi ý không chịu giúp. Cũng với chiêu dụ dỗ làm tay trong cho mình vào trộm tài sản chia nhau tiêu xài, Dương thuyết phục được Dư Ngọc Tố Như (chị ruột Vỹ), đồng ý giúp. Chính Như là người thông báo cho Dương về việc camera ngưng hoạt động cũng như việc gia đình vừa rút tiền về để chuẩn bị trả lương công nhân. Dương hận Vỹ "lật kèo" phút cuối nên giết Vỹ trước tiên, ngay sau khi vào nhà…”.

 

Và còn rất nhiều các nhà báo, các cơ quan báo chí khác đã nhân sự việc này vội vã thông tin một cách cách cẩu thả, không có chọn lọc, không có kiểm chứng gây hoang mang dư luận, khóet sâu vào nỗi đau của gia đình ông Mỹ. Không hiểu, các nhà báo lấy thông tin ở đâu? Phải chăng, các nhà báo, các cơ quan báo chí tự cho mình cái quyền thích nói gì thì nói hay sao? Tôi xin các nhà báo! Gia đình ông Mỹ đã mất mát, đau đơn quá lớn rồi, hãy để họ yên…!

 

Như lường trước được sự việc, ngày 9-7, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã cảnh báo: “Việc các báo mạng và trang mạng xã hội ồ ạt đưa tin về vụ thảm sát mà không cần kiểm chứng, nhằm thu hút sự chú ý của độc giả là một việc làm trái với đạo đức của nghề báo. Dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, tôi không chấp nhận được thông tin dạng như vậy. Việc báo chí tập trung quá nhiều vào khai thác các chi tiết gây tò mò, gây sốc, mà không bận tâm đến nỗi đau của gia đình các nạn nhân, tôi khẳng định đó là những thông tin không chính thống, gây hỗn loạn thông tin, hoang mang dư luận và mang tính chất lá cải. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin và xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan báo chí vi phạm trong vụ việc này…”.