Yêu thương, sẻ chia với đồng đội

17:36, 28/07/2015

Cách Nhà văn hóa xóm Gia Bẩy, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) vài trăm mét là Trạm Đón tiếp, nghỉ dưỡng cựu Thanh niên xung phong (TNXP) N91 thuộc Công ty Đón tiếp, nghỉ dưỡng cựu TNXP. Từ khi thành lập đến nay, Trạm đã đón nhiều đoàn khách TNXP ở Đại đội 912, 915 và các tỉnh về tham quan, ăn nghỉ miễn phí. Không chỉ là nơi dừng chân, nghỉ ngơi, đây còn là nơi gặp gỡ của những tấm lòng biết sẻ chia, yêu thương đồng đội.

Đúng dịp kỷ niệm Ngày truyền thống TNXP (15-7) vừa qua, tôi may mắn được gặp các nhân chứng TNXP của Đại đội 915 anh hùng ngày nào đang an dưỡng tại Trạm Đón tiếp, nghỉ dưỡng cựu TNXP N91 (gọi tắt là Trạm N91). Bà Bùi Thị Loan, ở xã Bằng Lũng, Chợ Đồn (Bắc Kạn) chia sẻ: Đây là lần đầu tôi xuống Trạm N91, được đồng đội quan tâm, chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ. Khi mỏi, lại được bốc thuốc, sắc cho uống, tôi mừng lắm. May mắn sống sót trở về sau chiến tranh, giờ vui nhất là sống trong tình yêu thương của đồng đội. Ở đây 2 tuần, tinh thần tôi vui vẻ, phấn chấn hơn hẳn, mỗi bữa ăn được 2 bát cơm, giờ lên được 2kg…

 

Trong 4 năm qua, trên 150 lượt TNXP và người nhà của họ đã đến an dưỡng tại Trạm N91 (mỗi đợt từ 7-15 ngày) đều được đón tiếp, phục vụ chu đáo từ ăn, nghỉ, tham quan một số di tích trên địa bàn. Trạm N91 có khung cảnh yên tĩnh và lãng mạn. Ở đây, các cựu TNXP có thể thong dong tản bộ giữa những hàng cau dọc sông Cầu, ngắm các loại hoa khoe sắc; khi mệt, có thể ngồi ghế đá hoặc nằm võng nghỉ ngơi, uống nước chè xanh mát dịu, thảnh thơi giữa sông nước, mây trời. Bà Vi Thị Cúc, 71 tuổi, nguyên là Đại đội trưởng Đội TNXP 912, hiện ở xóm Gia Bẩy, xã Đồng Bẩm, một trong những người đầu tiên có ý tưởng xây dựng Trạm N91 kể: Tối 24-12-1972, chúng tôi nấu cơm ở địa điểm nghỉ. Nhưng chưa kịp ăn thì bom Mỹ thả xuống, Đại đội 915 bị hy sinh gần hết còn Đại đội 912 chúng tôi chỉ có vài người bị thương. Không riêng gì tôi mà tất cả những đội viên trong Đại đội 912 trở về sau hòa bình đều nghĩ mình phải có trách nhiệm với những đồng đội cùng làm nhiệm vụ ở ga Lưu Xá đã ngã xuống và những người mang nhiều thương tật trong Đại đội mình. Đầu năm 2011, các cựu TNXP gặp nhau ở đám cưới con một đồng đội ở huyện Phổ Yên. Khi ấy, có người đề đạt, nếu có một chỗ nghỉ ngơi, ăn uống ở trung tâm T.P Thái Nguyên cho các cựu TNXP khi họ về thắp hương, tưởng nhớ đồng đội ở ga Lưu Xá thì tốt biết bao. Sau lần đó, tôi và ông Nguyễn Minh Lương (hội viên Đại đội 912) bàn bạc và quyết định xây dựng Trạm N91 tại khu đất của gia đình tôi với diện tích hàng nghìn m2 nằm cạnh bờ sông Cầu.

 

Ý tưởng này được các hội viên TNXP trong Đại đội 912 đồng tình cao. 7 người được bầu vào Ban Xây dựng, tìm thợ, thuê người thiết kế, huy động vốn của các hội viên. Chưa đầy nửa năm sau, ngày 23-12-2011, Trạm N91 được khánh thành, với tổng số tiền xây dựng trên 300 triệu đồng, có diện tích 200m2, phòng nghỉ khép kín, đáp ứng chỗ ăn, nghỉ cho 10 người. Nhớ lại những ngày đầu xây dựng Trạm N91, bà Cúc rơm rớm nước mắt: Được anh em đồng đội, gia đình, người thân động viên nên chúng tôi mạnh dạn, cứ tiền có đến đâu triển khai đến đó. Lắm lúc cũng tủi khi nghe người “ác khẩu” bảo chúng tôi vô công rồi nghề, hay dựng Công ty nọ kia lên hoạt động để mượn “mác TNXP” kiếm lời bất chính. Anh em chúng tôi xuất phát từ cái tâm, tự nhắc nhớ mình không quên những hy sinh, đóng góp của những đồng đội để tiếp tục thực hiện.

 

Sau đó, các thành viên trong Ban Xây dựng đã báo cáo với Hội TNXP tỉnh, xin hướng dẫn làm tờ trình UBND tỉnh và được phê duyệt thành lập Công ty Đón tiếp, nghỉ dưỡng cựu TNXP. Công ty do ông Nguyễn Minh Lương làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc; chị Lâm Thị Huế (con dâu một cựu TNXP) và bà Vi Thị Cúc là Phó Giám đốc Thường trực phụ trách mảng kinh doanh và quản lý Trạm N91, nhà nghỉ. Việc làm này nhận được sự ủng hộ của nhiều người, đã có hơn 50 hội viên TNXP ở các địa phương tham gia góp cổ phần, ít là vài trăm nghìn đồng, nhiều là hàng trăm triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Minh Lương cho biết: Số vốn thành lập Công ty của chúng tôi là 1,5 tỷ đồng, đều huy động từ hội viên TNXP. Để duy trì hoạt động kinh doanh của Công ty, lấy kinh phí phục vụ tham quan, nghỉ dưỡng của các đoàn khách TNXP đến Thái Nguyên, đơn vị đã phối hợp với Hội Cựu TNXP phường Liễu Giai, quận Ba Đình (Hà Nội) trao đổi, buôn bán các loại nông sản của Thái Nguyên như: chè, mật ong rừng, rau xanh, măng, miến. Ngoài Trạm N91 tại Gia Bẩy, đầu năm 2015, Công ty đã xây dựng thêm nhà nghỉ Yên Bình, ở thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) vừa để phục vụ nhu cầu các cựu TNXP đến nghỉ ngơi vừa kinh doanh lấy lãi để chi trả lại cho các hoạt động ăn, nghỉ và tổ chức gặp mặt cho hội viên vào các ngày lễ. Cuối tháng 6 vừa qua, Công ty khánh thành và đưa vào hoạt động cửa hàng ăn uống, dịch vụ giải khát tại Trạm N91.

 

Được biết, Công ty đã tạo việc làm cho gần 10 người là hội viên và con em các cựu TNXP với mức lương 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Do kinh phí có hạn nên đến nay, Công ty chỉ phục vụ ăn, nghỉ miễn phí cho những cựu TNXP của Đại đội 912, 915. Đối với các cựu TNXP khác trong cả nước nếu đến được chỉ miễn phí phòng nghỉ, khi có nhu cầu đi tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, Công ty sẽ cử người đi cùng hướng dẫn và họ chỉ phải trả tiền dịch vụ ăn uống.

 

Trăn trở về kế hoạch hoạt động của Công ty thời gian tới được bà Cúc, ông Lương chia sẻ: Chúng tôi mong muốn sẽ được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để mua xe ô tô phục vụ đưa đón hội viên đến Di tích tưởng niệm TNXP Đại đội 915, tham quan các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh trong thời gian nghỉ dưỡng tại đây. Đồng thời, cải tạo, mở rộng Trạm N91 để có thể phục vụ số lượng cựu TNXP đến an dưỡng đông hơn.

 

Ông Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội TNXP tỉnh khẳng định: Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của bà Vi Thị Cúc và ông Nguyễn Minh Lương về việc xây dựng Công ty Đón tiếp, nghỉ dưỡng cho cựu TNXP. Hội luôn ủng hộ và mong rằng những kiến nghị của các thành viên trong Hội đồng Quản trị Công ty sẽ được các cấp, ngành chức năng có thẩm quyền, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp ủng hộ, giúp đỡ...