Thông thường, các loại nấm tự nhiên, nấm độc xuất hiện nhiều vào thời điểm chuyển mùa Xuân – Hè và dần hết khi bước vào mùa mưa. Tuy nhiên, mùa mưa năm nay, đã có 5 người trong một gia đình bị ngộ độc do ăn nhầm nấm độc. Mặc dù bệnh nhân được cứu chữa kịp thời nhưng tình trạng sử dụng nấm dại gây nguy cơ ngộ độc là đáng báo động đòi hỏi các địa phương, ngành chức năng phải vào cuộc tuyên truyền để người dân không tiếp tục ăn nấm dại.
Nấm độc giống nấm lành
Tháng 3-2014, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc nấm tại xã Liên Minh và xã Phú Thượng (Võ Nhai) khiến 10 người mắc và có tới 7 người chết. Cả 10 nạn nhân của 2 vụ ngộ độc đều ăn phải một loại nấm độc có hình dáng, màu sắc tương tự như những mẫu nấm lành tính, khá phổ biến tại địa phương và thường được bà con địa phương hái về ăn.
Tương tự như vậy, ngày 31-7, 5 người trong gia đình ông Triệu Văn Bào, 67 tuổi, ở xóm Thịnh Đức 2, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) bị ngộ độc phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ cũng do nguyên nhân ăn phải một loại nấm gần giống với loại nấm lành tính tên gọi là nấm cổ ngỗng phổ biến ở địa phương. Sau 5 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ, sức khỏe đã dần hồi phục nhưng ông Triệu Văn Bào vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ với 3 cây nấm, ông, vợ ông và 3 đứa cháu nội đã suýt mất mạng. Ông kể: Trưa ngày 31-7, tôi hái được 3 cây nấm giống với nấm cổ ngỗng mà tôi và bà con ở đây vẫn hái về ăn những năm trước về nấu ăn. Không may, 5/6 người trong nhà tôi đã bị ngộ độc. Tôi là người ăn nhiều nhất nên bị nặng nhất. Những cây nấm này chỉ khác một chút so với nấm cổ ngỗng là có màu sẫm hơn.
Tìm về khu vực ông Triệu Văn Bào sinh sống để tìm hiểu thêm về loại nấm độc trên, chúng tôi được ông Lăng Văn Trọng, Trưởng xóm Thịnh Đức 2 cho biết: Loại nấm này rất giống với nấm cổ ngỗng phổ biến ở địa phương chỉ khác một chút là có màu sậm hơn nấm cổ ngỗng. Mặc dù vậy, nếu không để ý kỹ và đặc biệt không có cây nấm lành đối chiếu thì rất dễ nhầm lẫn dẫn tới ngộ độc. Còn anh Triệu Văn Son, cháu họ và sống liền kề gia đình ông Triệu Văn Bào cho biết: Những cây nấm độc trên tuy không có nhiều nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện tại khu đất ven đường và một số khu vực khác trong xóm. Ông Lâm Thanh Vạn, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hán cho biết: Đây là lần đầu tiên người dân trên địa bàn xã bị ngộ độc do ăn nấm mọc tự nhiên. Người dân ở đây thường xuyên có thói quen ăn nấm nấm mọc tự nhiên. Thông thường, người dân dựa vào kinh nghiệm truyền miệng để phân biệt nấm độc với không độc nhưng trong trường hợp này cho thấy việc dựa trên kinh nghiệm để phân biệt là rất nguy hiểm. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Trạm Y tế xã và các xóm tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không ăn nấm dại, nấm không phân biệt rõ ràng để tránh bị ngộ độc.
Cần tăng cường tuyên truyền
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Cảnh, Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Qua xác minh của chúng tôi thì số nấm gây ngộ độc cho gia đình ông Bào có thể là loại nấm ô tán trắng phiến xanh, có tên khoa học là Chlorophyllum molybdites. Đây là một loại nấm độc mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi khác... Mũ nấm lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính mũ từ 5 – 15 cm . Trên bề mặt mũ nấm có các vẩy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ. Mặt dưới mũ nấm lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm có màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ.
Ông Cảnh cũng cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã đến thăm hỏi các bệnh nhân đồng thời làm việc với ngành Y tế huyện Đồng Hỷ. Qua đó, chúng tôi đã thống nhất cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, vận động, hướng dẫn người dân biết được những nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ăn phải nấm độc để người dân hiểu và có ý thức tự phòng tránh; cung cấp đầy đủ các loại tranh ảnh tuyên truyền về các loại nấm độc cho đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản để làm công tác tuyên truyền đến tận thôn xóm vùng sâu, vùng xa đặc biệt là vùng đồng bào người dân tộc thiểu số; yêu cầu các bí thư, trưởng xóm họp dân quán triệt không để người dân tiếp tục sử dụng nấm lạ, nấm hoang dại trong ăn uống… Thông thường, nấm phát triển mạnh nhất vào dịp từ tháng giêng âm lịch đến khoảng hết tháng 3 âm lịch do thời điểm này thời tiết hay mưa dầm, ẩm ướt. Trong thời điểm hiện tại, mặc dù đã là mùa mưa rào nhưng sau những đợt mưa dài, thời tiết ẩm ướt, trên địa bàn tỉnh vẫn có nguy cơ rất cao xảy ra các vụ ngộ độc nấm. Chúng tôi khuyến cao tất cả người dân tuyệt đối không hái, không sử dụng và không ăn nấm mọc dại trong tự nhiên, nấm không rõ nguồn gốc.
Khi nghi ngờ hoặc phát hiện bị ngộ độc nấm, theo Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Hỷ thì người dân cần ngay lập tức phải đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị đồng thời tường thuật lại toàn bộ quá trình sử dụng nấm cho cán bộ y tế; mang theo mẫu nấm nghi có độc mà người bệnh đã ăn để giúp cơ quan y tế có điều kiện nhận diện nguồn gây ngộ độc, tạo điều kiện thuận lợi trong điều trị chống độc cho bệnh nhân. Với những người nghi ngộ độc nấm mà ở xa các cơ sở y tế thì cũng ngay lập tức chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý là trên đường vận chuyển bệnh nhân cần tác động gây nôn cho bệnh nhân bằng nhiều cách để giảm nguy cơ gây ngộ độc. Tất cả người bệnh bị ngộ độc nấm đều phải được điều trị tại các cơ sở y tế, tuyệt đối không điều trị tại nhà.