Tình cờ tôi được biết họ - hai đảng viên trẻ làm việc ở hai lĩnh vực khác nhau, nhưng họ có điểm chung dễ thấy nhất: lòng yêu nghề. Đó chính là chìa khóa để họ thành công.
Nguyễn Tuấn Anh là kỹ sư, Phó quản đốc Phân xưởng cán thép (Nhà máy Cán thép, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên). |
Nguyễn Tuấn Anh là kỹ sư, Phó quản đốc Phân xưởng cán thép (Nhà máy Cán thép, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên). Năm nay 36 tuổi đời, Tuấn Anh đã có 12 năm tuổi Đảng. Nhớ lại ngày được đứng trong hàng ngũ của những người đảng viên, Tuấn Anh bồi hồi: Đứng dưới lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên thệ khi vào Đảng với tôi là khoảnh khắc thiêng liêng nhất. Bởi đó là kết quả của khát vọng, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tôi.
Với cương vị Phó quản đốc Phân xưởng cán thép, kỹ sư phụ trách kỹ thuật công nghệ, điều Tuấn Anh và các đồng nghiệp luôn suy nghĩ là nghiên cứu cải tiến công nghệ nhằm hợp lý hóa sản xuất, giảm sức lao động, duy trì sản xuất ổn định với năng suất cao, chất lượng tốt, giảm giá thành sản phẩm. Cách đây 5 năm, Nhà máy Cán thép chưa đưa được hai giá cán phôi 150x150 vào sử dụng mà vẫn phải cán phôi 150x150 trên dây truyền 130x130. Sau khi nghiên cứu, Tuấn Anh đã chọn Đề tài “Tính toán thiết kế hệ thống lỗ hình trục cán để cán sản phẩm d6 - Tnhằm rút ngắn thời gian thay chuyển sản phẩm”.
Đề tài hoàn thiện và tiến hành cán thử vào tháng 6-2012 đạt được những kết quả khả quan: Giảm thời gian thay chuyển các loại sản phẩm từ 7 giờ xuống còn 3 giờ, vẫn đảm bảo được ổn định công nghệ, tăng năng suất và hiệu suất thiết bị. Giảm gần 60% chi phí nhân công và sức lao động so với trước khi áp dụng đề tài. Tiết kiệm được gần 50% chi phí nguyên nhiên vật liệu như: Kim loại, dầu FO, điện năng và các vật liệu phụ khác, góp phần giảm chi phí, tăng giá thành sản phẩm. Riêng 6 tháng cuối năm 2012, Nhà máy đã sản xuất gần 12.000 tấn sản phẩm d6 - T (thép phi 6), tiết kiệm được hơn 652 triệu đồng. Với đề tài này, Tuấn Anh đã được trao giải ở các hội thi sáng tạo trẻ do Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức. Anh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao Bằng lao động sáng tạo năm 2015.
Tuấn Anh tâm sự: Để có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, chúng tôi phải làm chủ thiết bị. Do vậy, việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề là rất quan trọng. Ngoài đào tạo tại chỗ, chúng tôi mong muốn được học tập ở các đơn vị có dây chuyền thiết bị, công nghệ sản xuất tương tự hoặc ở trình độ cao hơn, từ đó có thể vận dụng sáng tạo hay lựa chọn những giải pháp phù hợp vào điều kiện thực tế tại đơn vị mình. Thêm nữa, người lao động trong quá trình “thai nghén” ý tưởng rất cần sự động viên, tạo điều kiện của lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể để họ “biến” ý tưởng thành thực tiễn; các cấp lãnh đạo cũng cần khen thưởng, động viên kịp thời để khuyến khích người lao động tích cực sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, tạo thành phong trào sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.
Kém Tuấn Anh 1 tuổi, có 6 năm tuổi Đảng, thầy giáo Lê Minh Hải giáo viên trường THPT Khánh Hoà cũng là một tấm gương lao động sáng tạo. Nhớ lại quá trình phấn đấu để trở thành đảng viên, thầy Hải nói: Bên cạnh công tác giảng dạy, công tác Đoàn ở trường phổ thông cũng khá nhiều việc. Tôi được lãnh đạo nhà trường giao nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học. Công việc hàng năm cứ lần lượt thử thách tôi. Với sự phấn đấu liên tục và hoàn thành tốt các công việc được giao, tôi được các thầy cô và đồng nghiệp tín nhiệm giới thiệu và được đứng trong hàng ngũ của Đảng năm 2009.
Anh Lê Minh Hải - Bí thư Đoàn trường THPT Khánh Hòa (mặc áo xanh, đứng giữa)
cùng đội văn nghệ tham gia Hội thi Giai điệu tuổi hồng năm 2015.
Thầy Hải hiện nay là Bí thư Đoàn thanh niên trường THPT Khánh Hòa, điển hình tiên tiến của phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” và Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do ngành Giáo dục tổ chức. Đứng lớp dạy môn Địa lý, thầy Hải áp dụng phương pháp dạy linh hoạt, phù hợp với nội dung bài học. Thầy cho biết: Để chuẩn bị lên lớp, tôi thường phân tích nội dung bài học, mục tiêu kiến thức cần đạt được, từ đó lựa chọn phương pháp dạy sao cho phát huy tính chủ động sáng tạo, hình thành và rèn luyện các kỹ năng, năng lực của học sinh. Với nguồn tư liệu phong phú trên internet, tôi sưu tầm hình ảnh về thiên nhiên, đất nước, văn hóa ở các quốc gia, các bộ phim khoa học của các kênh truyền hình nổi tiếng (BBC, Discovery, National Geographic Channel); tôi tìm thông tin trong Bách khoa toàn thư điện tử của Microsoft, ứng dụng các phần mềm trình chiếu PowerPoint, phần mềm biên tập video Movie Maker, e-learrning, phần mềm sơ đồ tư duy MindMap... để phục vụ giảng dạy. Việc mở rộng thông tin như thế khiến học sinh rất hào hứng. Trong giờ học, tôi quan sát hiệu ứng từ học sinh, từ đó kiểm chứng hiệu quả đổi mới phương pháp của mình. Sau mỗi bài giảng, tôi rút kinh nghiệm để áp dụng cho các bài học sau tốt hơn.
Theo thầy Hải, mục đích của phương pháp dạy học mới là khuyến khích học sinh tự học, tự tìm hiểu. Vì vậy, thầy phân loại trình độ học sinh để có phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh chuẩn kiến thức - kỹ năng chung cần đạt, thầy cho học sinh học yếu và học sinh khá giỏi bài tập mức độ dễ - khó khác nhau, đồng thời chia nhóm hướng dẫn các em tự học thông qua việc tự đọc trước bài học mới, giới thiệu một số đầu sách, địa chỉ website, tạo các nhóm học tập trên mạng xã hội...
Việc kiểm tra đánh giá học sinh cũng được thầy Hải đổi mới. Thầy tâm sự: Tôi chấm bài kiểm tra của các em bằng tất cả sự trân trọng. Đối với học sinh khá, giỏi sự tiến bộ trong bài kiểm tra thường được thể hiện rất rõ, còn đối với học sinh yếu sự tiến bộ thường chậm hơn. Chỉ khi giáo viên hiểu học trò, chấm bài kỹ lưỡng, có lời phê, động viên kịp thời, chính xác thì sự tiến bộ của các em mới bền vững và liên tục. Tôi cũng yêu cầu các em tự chấm điểm cho nhau để nắm kiến thức chắc hơn, học hỏi ở nhau cách thức trình bày và diễn đạt. Nhìn chung, việc chấm bài cẩn thận, trả bài kịp thời sẽ mang lại hiệu quả lớn đối với chất lượng dạy học.
Với phương pháp giảng dạy như trên, thầy Hải đã góp sức vào kết quả xếp loại khá giỏi môn địa lý 47,52%, hàng năm có từ 9 đến 12 học sinh giỏi cấp tỉnh. Xác định thày cô giáo là tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo, thầy Hải luôn gương mẫu trong công việc, quan tâm thăm hỏi và tìm hiểu điều kiện hoàn cảnh của học sinh, công bằng, khách quan trong kiểm tra đánh giá. Thầy giáo Hải cũng đã hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ (năm 2010), đang học nghiên cứu sinh tại Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam; tham gia thỉnh giảng môn bản đồ du lịch tại Khoa Sư phạm du lịch trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; cùng các nhà khoa học tại Đại học Thái Nguyên thực hiện các đề tài cấp đại học về ứng dụng hệ thống thông tin địa lí (GIS), các sản phẩm bản đồ trực tuyến đã được công bố và có tính ứng dụng cao phục vụ quản lý không gian và phục vụ các kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học tại Đại học Thái Nguyên.
Trên cương vị Bí thư Đoàn trường, thầy cùng Ban Chấp hành Đoàn trường tổ chức các hoạt động văn nghệ thể dục thể thao, xung kích tình nguyện trong công tác xã hội, từ thiện vì cuộc sống cộng đồng. Năm học 2012-2013, tập thể Đoàn trường THPT Khánh Hoà đạt Vững mạnh xuất sắc, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen; từ năm học 2013 đến nay, Đoàn trường đều đạt Vững mạnh và Vững mạnh xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
5 năm liên tục thầy giáo Hải đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Giáo viên dạy giỏi xuất sắc trong Hội thi giáo viên dạy giỏi các môn khoa học xã hội và môn Giáo dục quốc phòng an ninh tỉnh (năm 2014); Bằng khen của UBND tỉnh (năm 2014); hai lần đạt danh hiệu Cán bộ Đoàn giỏi cấp tỉnh tại Hội thi cán bộ Đoàn giỏi do Sở Giáo dục và Đào tạo và Tỉnh Đoàn tổ chức.
Tạm biệt hai chàng trai yêu nghề, tôi bỗng nhớ đến câu danh ngôn của ai đó: “Hoạt động thực tiễn và tác phong sáng tạo, đây là những người thầy giỏi trong trường đời”.