Cần bổ sung biên chế cho ngành giáo dục và y tế

08:36, 24/08/2015

Từ năm 2013, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ không bổ sung biên chế cho các địa phương. Tuy nhiên trên thực tế quy mô trường, lớp, học sinh và số giường bệnh của các bệnh viện, trung tâm y tế vẫn liên tục tăng hằng năm. Trước thực tế trên, Đây là vấn đề thu hút đông đảo cử tri quan tâm…

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT cho biết: Hiện theo phân cấp, Sở GD&ĐT quản lý 46 đơn vị gồm các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, Trường Dân tộc nội trú THCS... Hiện số biên chế của Sở quản lý là 2.611 người. Năm 2015, Sở đề nghị tỉnh giao bổ sung 29 biên chế cho Trường Dân tộc nội trú THCS Đồng Hỷ mới thành lập (18 biên chế cho 8 lớp và 11 biên chế làm công tác quản lý thư viện, thiết bị, thí nghiệm, kế toán, y tế, văn thư, thủ quỹ các nhà trường). Theo chúng tôi được biết, trong số biên chế đề nghị bổ sung nêu trên thì Sở cũng chỉ được duyệt giao bổ sung 15 biên chế, so với yêu cầu thực tế là quá thấp. Song khó khăn nhất về vấn đề biên chế hiện nay nằm ở các cấp học, bậc học đã được phân cấp cho địa phương quản lý bởi số học sinh trong mấy năm trở lại đây liên tục tăng.

 

Đúng như khẳng định của đồng chí Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT, trong buổi làm việc cùng chúng tôi, đồng chí Ngô Tiến Sinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Bình cho biết: Hiện trong 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS thì chỉ có cấp THCS là cơ bản ổn định. Cấp mầm non và tiểu học thiếu trên 200 cán bộ, giáo viên. Cụ thể ở khối mầm non tỷ lệ huy động các cháu trong độ tuổi ra lớp tăng gần 2.000 cháu. Ngoài thiếu giáo viên thì một khó khăn nữa đối với bậc học này là vấn đề cô nuôi. Còn khối tiểu học, năm học 2015-2016 có 12.100 học sinh, tăng 13 lớp, 680 học sinh so với năm học trước. Khối này ngoài thiếu giáo viên dạy 9 môn, thì thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân theo Quyết định 1400/QĐ-TTg của Chính phủ, mỗi lớp 1 tuần học 4 tiết tiếng Anh thì Phú Bình còn thiếu 22 giáo viên của bộ môn này. Chưa kể hiện nay bộ môn Tin học cũng không có biên chế, toàn bộ các trường tự thỏa thuận với phụ huynh học sinh để hợp đồng với giáo viên giảng dạy.

 

Để đưa ra những quyết định thấu đáo, ngày 17-6-2015, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp đóng góp ý kiến vào dự thảo quyết định bổ sung biên chế sự nghiệp năm 2015 đối với ngành giáo dục, y tế. Tại cuộc họp này, lãnh đạo Sở Nội vụ và các các ngành đã chia sẻ khó khăn với các ngành, đơn vị, địa phương trong việc thiếu biên chế trong những năm qua. Đại diện các ngành, đơn vị cũng đưa ra một số bất cập, hạn chế trong các văn bản cấp bộ, liên bộ với thực tiễn tại các địa phương, các ngành như việc giao chỉ tiêu biên chế theo từng bệnh viện, từng bậc học dẫn tới khó khăn cho ngành, địa phương trong việc đáp ứng nhu cầu biên chế cụ thể; tỷ lệ phân giao biên chế còn thấp; một số tiêu chí tuyển biên chế quá cao dẫn tới tình trạng có chỉ tiêu nhưng không tuyển được cán bộ vào biên chế; một số bệnh viện có chỉ tiêu biên chế nhưng không có nguồn tuyển dụng… Tại cuộc họp này, đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng những vướng mắc trong vấn đề giao biên chế cho ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo cần phải giải quyết triệt để Lãnh đạo UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ có những kiến nghị với Bộ Nội vụ, các bộ ngành liên quan điều chỉnh những bất cập đặc biệt là đề nghị Bộ Nội vụ giao tổng biên chế cho tỉnh để chủ động điều chỉnh tăng, giảm biên chế cho các địa phương, các ngành cho phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các sở liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Nội vụ để xây dựng các vị trí việc làm năm 2016 và năm học 2015-2016; các ngành bổ sung nhu cầu tuyển dụng để UBND tỉnh xây dựng tờ trình HĐND tỉnh phê duyệt.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên cơ sở tờ trình kèm theo đề án của UBND tỉnh đề nghị bổ sung biên chế trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, Bộ Nội vụ đã thẩm định giao bổ sung 468 biên chế cho tỉnh Thái Nguyên. Như vậy, số biên chế được giao là rất thấp so với yêu cầu thực tế. Từ số biên chế được giao, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh quyết định giao cho ngành Giáo dục 293 biên chế. Đối với ngành Y tế dự kiến được giao 175 biên chế/235 biên chế đề nghị giao bổ sung.

 

Trong khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng nhận được một số ít ý kiến băn khoăn của các cử tri trong khi TW đang đề cập đến việc tinh giản biên chế thì chúng ta lại bàn đến chuyện tăng biên chế liệu có mâu thuẫn. Hơn nữa, tăng biên chế còn liên quan đến ngân sách chi trả lương, nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất như trường học, bệnh viện. Băn khoăn trên cũng có căn cứ, tuy nhiên theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nêu: “Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh... thì có thể bổ sung biên chế phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ”. Như vậy, việc đề nghị giao bổ sung biên chế sự nghiệp đối với ngành Y tế và Giáo dục là hoàn toàn có cơ sở để bàn bạc và đưa ra quyết định tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này. Song, bên cạnh việc giao bổ sung tăng biên chế, hai ngành cũng cần nghiên cứu mô hình y tế, trường học phù hợp. Đồng thời, tiếp tục rà soát lại tình hình sử dụng biên chế, sắp xếp lại đội ngũ để tăng hiệu quả; cần thận trọng với việc tăng biên chế vì liên quan đến ngân sách và tránh tình trạng dôi dư sau này.