Giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng thuốc ARV trong điều trị HIV/AIDS

15:25, 12/08/2015

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ sung 60 tỷ đồng dự toán năm 2015 cho Bộ Y tế để mua thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc và điều trị ARV cho người nhiễm HIV vẫn gặp nhiều khó khăn mặc dù ngành y tế đã mở rộng chương trình điều trị.

* Mở rộng điều trị ARV

 

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Hoàng Đình Cảnh cho biết: Hiện nay, toàn quốc có 312 phòng khám ngoại trú và 526 điểm cấp phát thuốc ARV tại xã/phường; đang điều trị ARV tại 23 trại giam và 33 Trung tâm 06. Các cơ sở hiện đang điều trị ARV cho 95.752 bệnh nhân, trong đó có 91.156 người lớn và 4.596 trẻ em. Như vậy, so với kế hoạch năm 2015 đạt 91%.

 

Thời gian qua, Bộ Y tế đã mở rộng chương trình điều trị 2.0 cho các tỉnh: Cần Thơ, Điện Biên, Thanh Hóa, Thái Nguyên nhằm lồng ghép và đưa dịch vụ điều trị ARV về cộng đồng, tăng khả năng tiếp cận, tăng tính thuận tiện cho người bệnh. Bộ đang triển khai thí điểm mô hình điều trị ARV cho 7 tỉnh miền núi, phát hiện người nhiễm HIV và điều trị ngay không phụ thuộc tế bào CD4.

 

Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương kiện toàn mạng lưới phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS nhằm đảm bảo tính bền vững, thực hiện chi trả điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế sau khi nguồn viện trợ kết thúc. Cả nước hiện có 6 tỉnh đã kiện toàn các phòng khám điều trị ARV, chính thức lồng ghép vào các bệnh viện; 35 sở y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế chỉ đạo việc kiện toàn... Nhờ vậy, tình trạng người bệnh điều trị muộn đã được cải thiện; tỷ lệ bệnh nhân đã điều trị ARV ít nhất 36 tháng có tải lượng HIV dưới 1.000 bản sao/ml là 95,1%; tình trạng HIV kháng thuốc ở mức độ thấp với tỷ lệ HIV kháng thuốc trên bệnh nhân điều trị ARV từ 36 tháng trở lên là 4,6%.

 

* Nhiều khó khăn

 

Theo Bộ Y tế, ARV là thuốc điều trị dùng cho những người bị HIV, có tác dụng làm giảm sự phát triển của vi rút HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS. Dùng ARV cho người có HIV được nhìn nhận là một trong những biện pháp tích cực giúp người có HIV cải thiện sức khỏe và kéo dài thời gian sống của mình. Việc điều trị ARV sớm có tác động rất mạnh trong việc giảm AIDS, giảm tử vong và giảm nhiễm HIV mới. Đây chính là thách thức lớn để đạt được mục tiêu kết thúc AIDS vào năm 2030 cũng như giảm ca nhiễm HIV mới. Tuy nhiên, việc đảm bảo duy trì điều trị ARV gặp rất nhiều khó khăn khi các nhà tài trợ cắt giảm về địa bàn hỗ trợ, nguy cơ bệnh nhân không có thuốc điều trị khi không có dự án, trong khi đầu tư nội địa cho khoảng 5% bệnh nhân điều trị hiện nay đã chiếm 20% nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh: Một thách thức rất lớn hiện nay cho hoạt động này là tỷ lệ người nhiễm HIV được tiếp cận với điều trị ARV. Tiêu chuẩn điều trị ARV đã được mở rộng tuy nhiên chỉ có trên 40% người nhiễm HIV còn sống trong năm 2014 được tiếp cận với điều trị bằng thuốc ARV. Đồng thời, giá thành thuốc điều trị bậc 2 rất cao, thị trường cung ứng còn hạn chế so với thuốc ARV bậc 1. Bên cạnh đó, công tác kiện toàn các cơ sở điều trị diễn ra chậm, bảo hiểm y tế chưa thực hiện chi trả cho điều trị HIV/AIDS trong bối cảnh các nhà tài trợ cắt giảm mạnh nguồn viện trợ. Đây là khó khăn rất lớn cho việc đảm bảo bền vững của chương trình điều trị HIV.

 

Cục Phòng, chống HIV/AIDS nêu rõ: Với thuốc ARV, từ năm 2015 trở về trước thuốc ARV từ các nguồn viện trợ quốc tế được Bộ Y tế điều phối và cấp cho các tỉnh, thành phố theo nhu cầu cụ thể. Tuy nhiên, theo yêu cầu của nhà tài trợ, từ năm 2016, các thuốc ARV từ nguồn hỗ trợ quốc tế chỉ tập trung cho 30 tỉnh, các tỉnh còn lại cần phải được ngân sách trong nước đảm bảo. Đồng thời, các nhà tài trợ không tăng hỗ trợ cho bệnh nhân mới điều trị ARV từ năm 2016 và chưa có cam kết hỗ trợ sau năm 2017. Trong khi đó, thị trường cung ứng thuốc ARV trong nước còn hạn chế, hiện không có đơn vị cung ứng thuốc ARV viên kết hợp dùng phổ biến hiện nay, thuốc ARV phác đồ bậc 2 và thuốc ARV cho trẻ em. Các rào cản về tài chính, xã hội, địa lý đang ảnh hưởng đến mở rộng điều trị ARV, đặc biệt khu vực vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ bệnh nhân điều trị muộn còn cao (34% bệnh nhân bắt đầu điều trị khi tế bào CD4 dưới 100). Ngoài ra, ngành y tế hiện đang gặp khó khăn trong triển khai điều trị toàn diện cho bệnh nhân HIV đồng nhiễm lao và viêm gan.

 

* Đảm bảo cung ứng thuốc ARV

 

Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh khẳng định: Để triển khai hiệu quả công tác điều trị ARV, Cục tập trung xác định các khu vực địa lý ưu tiên tại các tỉnh, mở rộng việc tiếp cận đối tượng đích, xét nghiệm HIV, kết nối điều trị, điều trị ARV sớm; rà soát chỉ tiêu điều trị ARV, lập kế hoạch và theo dõi sát việc thực hiện điều trị theo chỉ tiêu năm 2015. Ngành y tế tiếp tục mở rộng điều trị ARV trong trại giam; tăng cường điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/lao; xây dựng quy chế phối hợp giữa hệ thống HIV và sức khỏe sinh sản trong thực hiện can thiệp phòng lây truyền mẹ con.

 

Đồng thời, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ ước tính và dự báo nhu cầu thuốc ARV cho giai đoạn 2016-2020 và cung cấp thông tin này cho các nhà sản xuất, cung cấp thuốc ARV; khuyến khích các công ty cung ứng thuốc ARV tập trung sản xuất các mặt hàng thuốc chủ yếu cho người nhiễm HIV/AIDS; đôn đốc địa phương khẩn trương phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính, phân bổ kinh phí cho trang thiết bị, thuốc ARV, Methadone và các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại đại phương; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho địa phương thực hiện chuyển giao có lộ trình các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại địa phương.

 

Với một số thuốc ARV chưa sản xuất được trong nước, Bộ Y tế khuyến khích công ty trong nước và quốc tế cung ứng thuốc ARV cho Việt Nam thông qua đấu thầu mua sắm tập trung; rà soát, đẩy nhanh lộ trình cấp số đăng ký (visa) cho thuốc ARV nhập khẩu vào Việt Nam, xem xét đơn giản hóa việc cấp phép lưu hành các thuốc ARV; đàm phán với nhà cung cấp thuốc ARV xem xét, giảm giá thuốc ARV cho Việt Nam.

 

Thời gian tới, Bộ y tế sẽ xây dựng Hướng dẫn thí điểm tổ chức và hoạt động Nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh, thành phố; đôn đốc các tỉnh kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS, phòng khám điều trị ngoại trú, lồng ghép vào bệnh viện và hệ thống y tế. Đồng thời, mở rộng triển khai và lồng ghép các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh (tư vấn xét nghiệm, điều trị ARV, Methadone); phân cấp việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS về tuyến cơ sở (chăm sóc, điều trị, phát thuốc ARV, truyền thông.); tăng cường thực hiện việc chi trả các dịch vụ điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế.../.