Với hơn 73 nghìn người được giải quyết chế độ (đạt 71%), vẫn còn tồn đọng hơn 29 nghìn người, Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) cần tiếp tục phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, có những biện pháp tích cực để giải quyết dứt điểm tồn đọng với cựu TNXP, đảm bảo quyền lợi cho lớp người đã có những cống hiến, hy sinh cho độc lập tự do của đất nước.
Đó là đề nghị của của đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện quyết định 40/2011/QĐ-TTg và các chế độ, chính sách đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, diễn ra ngày 19/8 tại Hà Nội.
Liên quan đến những vướng mắc đối với thông tư 28/2013/TTLT về giải quyết chế độ thương binh, liệt sĩ cho người không có giấy tờ gốc, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Vũ Trọng Kim cho rằng để khắc phục vướng mắc trên nên có chứng nhận của người có cùng thời kỳ công tác, hoạt động, hoặc đưa việc xác nhận ra cho bà con tại cộng đồng nơi cư trú cũ. Đặc biệt cấp ủy, chính quyền địa phương phải tìm hiểu đến từng hộ gia đình để bảo lãnh, chịu trách nhiệm đối với các trường hợp cần xác nhận. Có như vậy số tồn đọng chính sách với cựu TNXP mới được giải quyết trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch phụ trách chính sách Hội Cựu TNXP Nguyễn Cao Vãng, trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 quyết định, các Bộ đã ban hành 1 thông tư độc lập về chế độ chính sách cho TNXP. Sau 3 năm thực hiện Quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 6/2015, đã có 845 người được giải quyết chế độ liệt sỹ, trên 23.400 người được giải quyết chế độ thương binh, trên 149 nghìn người được hưởng chế độ trợ cấp một lần và 6.900 người được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lực lượng thanh niên xung phong vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Quy định những người có hoàn cảnh khó khăn đã được xét hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg không được áp dụng Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg đã gây thiệt thòi cho những trường hợp không còn khả năng lao động, sống cô đơn không nơi nương tựa; chế độ trợ cấp hàng tháng mức 360.000 đồng là quá thấp (đến nay đã gần 4 năm vẫn chưa được điều chỉnh). Thanh niên xung phong thuộc diện đãi ngộ chính sách như người có công, nhưng lại quy định điều chỉnh theo chế độ bảo trợ xã hội, thủ tục xét hưởng trợ cấp hàng tháng rườm rà, gây khó cho người thụ hưởng…
Thực hiện Tổng rà soát chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ, kết quả cho thấy đã phản ánh phù hợp với tình trạng tồn đọng thực tế đối với đối tượng cựu TTXP. Cả nước có 63.551 trường hợp chưa được xác nhận người có công do kê khai không có, không còn giấy tờ gốc nên chưa được hưởng chế độ, trong đó có 2.014 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, 7.850 trường hợp đề nghị xác nhận thương binh, 16.252 trường hợp kê khai chưa được hưởng chế độ, chính sách người bị nhiễm chất độc da cam, 15.664 trường hợp TNXP đề nghị được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần theo quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi một số nội dung của các quyết định, thông tư cho phù hợp với thực tế để tập trung giải quyết, phấn đấu đến hết năm 2016 cơ bản hoàn thành việc giải quyết các chế độ trợ cấp hiện có cho TNXP.
Trong thời gian tới Hội Cựu TNXP tiếp tục đẩy mạnh công tác chính sách đối với cựu TNXP. Trung ương Hội sẽ báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành về tình trạng khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp đối với một số quyết định và thông tư để sửa đổi bổ sung. Hội tiếp tục mở các hội nghị phổ biến văn bản, tập huấn nghiệp vụ cho Hội, Ban liên lạc cựu TNXP các quận, huyện, xã, phường để phối hợp, đề xuất với các cấp chính quyền giải quyết thuận lợi cho cựu TNXP…./.