Khó khăn trong phát triển kỹ thuật cao cho y tế tuyến huyện

08:24, 22/08/2015

Vượt xa những kỹ thuật tối thiểu phải thực hiện theo tuyến, một số Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh triển khai thành công các kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến. Qua đó, đã thu hút được đông đảo người dân đến khám chữa bệnh, giảm tải cho tuyến trên. Tuy nhiên, đối với phần lớn các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, việc triển khai các kỹ thuật cao, vượt tuyến còn nhiều rào cản.

Mặc dù là bệnh viện hạng III tuyến huyện nhưng hàng loạt các kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật của bệnh viện hạng II đã được Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ triển khai thực hiện thành công trong thời gian gần đây như: Phẫu thuật ghép xương bằng đinh nội tủy hoặc tự ghép; phẫu thật nội soi cắt ruột thừa bị viêm; phẫu thuật nội soi lấy thai ngoài tử cung; phẫu thuật nội soi cắt u xơ, u nang tử cung… Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng là cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện đầu tiên đưa vào hoạt động Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn triển khai đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân thông qua hệ thống lấy số thứ tự khám bệnh tự động.

 

Kết quả là, trong gần 2 năm trở lại đây, lượng người dân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện liên tục gia tăng, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt mức cao so với chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2014, Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ được Sở Y tế đánh giá là đơn vị tuyến huyện duy nhất đạt xếp loại khá đứng đầu trong các bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh. Cũng trong năm 2014, công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch của bệnh viện đạt gần 198% trong khi số bệnh nhân phải chuyển tuyến trên để điều trị của bệnh viện đã giảm trên 30% so với năm 2013. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, số bệnh nhân phải chuyển tuyến điều trị tiếp tục giảm trên 30% so với cùng kỳ năm 2014; công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch đạt 185%... Có được kết quả như trên, theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Bệnh viện là nhờ Bệnh viện đã chủ động thực hiện hai giải pháp quan trọng đó là tập trung đầu tiên phát triển nguồn lực đồng thời vận động các nguồn lực xây dựng hạ tầng, đầu tư trang thiết bị hiện đại hóa công tác khám chữa bệnh. Qua đó, từ năm 2014 đến nay, Bệnh viện đã tuyển dụng thêm được 6 bác sĩ đồng thời cử được nhiều kíp cán bộ đi học tập chuyên sâu các kỹ thuật về triển khai tại Bệnh viện. Song song với đó, tính từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện đã được hỗ trợ từ ngân sách, nguồn vốn vay trên 15 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng và mua các thiết bị y tế hiện đại.

 

Không giống như Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Từ, Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Lương trong những năm gần đây triển khai được rất ít các kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật cao. Mặc dù theo đánh giá của Sở Y tế, Bệnh viện là đơn vị thực hiện thành thạo các kỹ thuật đúng tuyến, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao tuy nhiên kết quả công tác khám chữa bệnh của đơn vị không có mức tăng trưởng mạnh và thậm chí có tiêu chí sụt giảm. 6 tháng đầu năm 2015, công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện đạt 117,08%. Bệnh viện là một trong những cơ sở có số bệnh nhân chuyển tuyến điều trị cao nhất so với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện.

 

Theo bà Nguyễn Thị Bích Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, mặc dù tất cả các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn đều thực hiện thành thạo các kỹ thuật đúng tuyến, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, tinh thần thái độ phục vụ được cải thiện, quy trình khám chữa bệnh được đổi mới tích cực nhưng cần đó là chưa đủ để giữ chân nhiều người bệnh ở lại tuyến huyện. Trong khi đó, qua thực tế, một số bệnh viện triển khai tốt các kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến phù hợp kết hợp với công tác đổi mới quy trình khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh đã góp phần tích cực thu hút bệnh nhân, giữ bệnh nhân ở lại tuyến huyện an tâm điều trị như: Đại Từ, Phú Bình, Định Hóa, kết quả khám chữa bệnh đạt cao, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến trên điều trị giảm dần trong khi công suất sử dụng giường bệnh không ngừng tăng. Ngược lại, tại một số Bệnh viện, Trung tâm Y tế tuyến huyện, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến không giảm thậm chí tăng thêm, công suất sử dụng giường bệnh giảm như: Phổ Yên, Phú Lương, Sông Công, Võ Nhai…

 

Theo bà Hải, nguyên nhân đầu tiên của những tồn tại khiến y tế tuyến huyện còn chưa vận dụng được các kỹ thuật cao được ngành Y tế xác định là do  thiếu nhân lực, đặc biệt là thiếu bác sĩ, tỷ lệ bác sĩ trên giường kế hoạch đạt thấp. Từ nguyên nhân thiếu bác sĩ, các bác sĩ hiện đang công tác tuyến huyện phải làm việc với cường độ cao dẫn tới ít có điều kiện, cơ hội để được đào tạo, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn cũng làm suy giảm chất lượng khám chữa bệnh. Bệnh cạnh đó, việc quán triệt và triển khai thực hiện quy tắc ứng xử, rèn luyện y đức người thầy thuốc có nơi, có lúc chưa được thường xuyên, sâu sắc. Một nguyên nhân quan trọng khác gây khó khăn trong phát triển kỹ thuật cao, kỹ thuật vượt tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện đó là nguồn vốn đáp ứng nhu cầu xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, hoàn thiện mạng lưới thông tin y tế và hệ thống xử lý chất thải y tế còn hạn hẹp; ngân sách nhà nước dành cho y tế bị cắt giảm, kinh phí chi cho mỗi giường bệnh còn thấp.

 

Trong giai đoạn 2016-2020, Sở sẽ đề nghị tỉnh cấp thêm ngân sách đầu tư cho ngành với định hướng dành phần lớn kinh phí hỗ trợ chính cho y tế tuyến huyện đặc biệt tập trung cho các huyện miền núi; đẩy mạnh thực hiện Đề án Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở tỉnh đến năm 2020, Chương trình phát triển sự nghiệp y tế tỉnh giai đoạn 2011-2015 tầm nhìn đến năm 2020…; tăng cường xã hội hóa đầu tư các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến huyện; đẩy mạnh phối hợp triển khai các dự án hỗ trợ trang thiết bị y tế cho tuyến huyện…