Kiên cường trong quân ngũ, gương mẫu giữa đời thường

16:48, 15/08/2015

Trong quân ngũ, họ là những người lính luôn vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trở về đời thường, phẩm chất người lính vẫn vẹn nguyên, họ tham gia nhiệt tình các hoạt động ở địa phương, góp phần xây dựng tổ chức hội ở cơ sở vững mạnh. Trước tình huống cấp bách,  nguy hiểm, những người lính già ấy cũng là người tiên phong. Họ là 2 cựu chiến binh (CCB) Đàm Du và Trần Văn Quỳnh, Chi hội trưởng và Chi hội phó Chi hội CCB tổ dân phố (TDP) số 3, phường Đồng Quang, T.P Thái nguyên.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn bằng gỗ thoáng mát, 2 ông chối khéo coi đó là chuyện nhỏ, ai gặp tình huống ấy cũng sẽ hành động như vậy, huống chi lại là CCB, từng được rèn luyện, cống hiến trong môi trường quân đội. “Nếu chúng tôi không làm vậy thời mới đáng tuyên truyền để phê bình chứ”. CCB Đàm Du cười nói.

 

Ông Du kể: Hôm ấy, chúng tôi đi dự Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm tại UBND phường. Vừa về đến đầu ngõ (ngõ 76) thì nghe mọi người hô “trộm, cướp”. Chưa kịp hiểu chuyện gì nhưng nhìn theo hướng tay chỉ của bà con, chúng tôi lập tức quay xe truy đuổi. Được một đoạn thì gặp 2 thanh niên đi hai xe máy lôi kéo nhau phóng khá nhanh. Đoán chúng là kẻ gian, tôi bảo anh Quỳnh tăng tốc đuổi theo. Trước sự đeo bám quyết liệt, bọn chúng phần vì chạy nhanh, phần vì cuống nên bị đổ xe khi vào chỗ ngoặt (cách chỗ chúng lấy trộm xe hơn 500m). Chúng tôi vượt lên trước nhưng chưa kịp xuống xe thì tên đi trước đã dựng được xe gọi đồng bọn nhảy lên ngồi sau rồi rú ga chạy thục mạng, bỏ lại chiếc xe vừa trộm được. Lát sau anh Đàm Minh Hải (cùng TDP) chạy đến nhận xe về trong sự vui mừng.

 

Còn anh Hải, đến giờ vẫn thán phục và mang ơn hai CCB cùng TDP. Nhìn chiếc Ware Alpha màu xanh dựng trước sân, anh nhớ lại: Hôm ấy khoảng 12 giờ, gia đình tôi khép cửa dùng cơm trưa. Xe tôi để trong sân có cài cổng nhưng không khóa nên chúng lẻn vào lấy đi. Khi tôi phát hiện, chúng đã trôi xuống dưới chân dốc, nếu không có sự can thiệp kịp thời của 2 bác, tôi đã mất chiếc xe này rồi.

 

CCB Đàm Du vốn là Đại tá, Chủ nhiệm Tăng - thiết giáp Quân khu 1, nghỉ hưu từ tháng 8-2012. Ông sinh năm 1954, quê ở Hạ Lang (Cao Bằng) nhập ngũ khi đang học lớp 10. Cuộc đời binh nghiệp của ông trải qua nhiều đơn vị từ Nam ra Bắc. Nào lính trinh sát trong chiến trường Quảng Trị, học sĩ quan Tăng - thiết giáp, giáo viên huấn luyện đào tạo pháo thủ, trưởng xe. Trước khi về Quân khu 1, ông từng phục vụ trong các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

 

Còn CCB Trần Văn Quỳnh nhập ngũ năm 1983, là lái xe vận tải tại Trung đoàn 679 (thuộc Tổng cục Hậu cần). Nhiệm vụ của ông là vận chuyển quân lương, quân trang, vũ khí cho các quân khu, quân đoàn tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Quãng đời làm lính lái xe của ông cũng có nhiều vất vả, gian nan và không kém phần nguy hiểm khi phải chạy xe qua những con đường gập ghềnh quanh co, núi cao, vực sâu. Việc nằm đường, nấu cơm nhờ nhà dân là chuyện thường ngày. Ông còn nhớ năm 1986, ông chở quân lương từ Hà Nội lên Quảng Ninh trong mưa bão, khi đi đến nửa đường thì gặp núi sạt, không đi nổi. Cả ngày nằm chờ. Xe chở đầy quân lương ấy vậy mà bụng đói mà không nấu được cơm, không có nước uống. Đến nửa đêm, ông cuốc bộ hàng cây số vào nhà dân xin nước, nhờ nấu cơm ăn. Rối ông được chuyển về công tác tại Quân khu 1, về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2011) với cấp bậc Trung tá.

 

Đối với 2 ông, khi còn ở trong quân ngũ, thấm nhuần phẩm chất của anh “Bộ đội Cụ Hồ” nên dù ở đơn vị nào, làm nhiệm vụ gì cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các ông đều được tặng thưởng các danh hiệu cao quý như Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương quân kỳ quyết thắng... Về hưu chưa được bao lâu, ông Đàm Du được cấp ủy giao nhiệm vụ Chi hội trưởng CCB, ông Trần Văn Quỳnh giữ chức Chi hội phó CCB kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận TDP số 3. Các ông bàn bạc thống nhất xây dựng và hoạt động theo quy chế mới từ việc tổ chức sinh hoạt đi vào quy củ, nền nếp đến xây dựng quỹ và các hoạt động khác. Từ năm 2013 đến nay, Chi hội CCB đã xây dựng được chân quỹ trên 20 triệu đồng cho hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế hoặc nuôi con ăn học. Các hội viên thống nhất đóng quỹ mỗi năm 100 nghìn đồng, chi cho các hoạt động thăm hỏi ốm đau, tổ chức cho các hội viên thăm lại chiến trường xưa hoặc các di tích lịch sử, cách mạng... Đặc biệt, khi có hội viên qua đời, Chi hội trích quỹ thuê một chuyến xe tang (theo nghi thức) giá 1,5 triệu đồng; thuê quần áo, cử tiêu binh... để tiễn đưa hội viên của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Số tiền chi hội dành cho một đồng đội khuất núi khoảng 2,2 đến 2,5 triệu đồng. Từ năm 2013 đến nay, Chi hội đã tổ chức 3 đám hiếu như vậy cho các hội viên. Đây là sự động viên thân nhân người mất, cũng là hoạt động nổi bật của Chi hội CCB TDP số 3. Do có nhiều hoạt động thiết thực như vậy mà Chi hội 3 thu hút hội viên khá mạnh. Từ năm 2013 đến nay đã có 13 người xin vào hội. Hầu hết những hội viên mới đều đăng ký sinh hoạt trước khi nghỉ hưu hay chuẩn bị hết thời gian tại ngũ.

 

CCB Đặng Văn Môn, Bí thư Chi bộ TDP số 3 phấn khởi: Chi hội CCB của TDP chưa bao giờ hoạt động sôi nổi, thiết thực như thời gian qua. Từ sự gương mẫu của những người đứng đầu mà hội viên nhiệt tình với các hoạt động, Chi hội ngày càng lớn mạnh. Chi hội CCB đã trở thành nòng cốt ở cơ sở. Đặc biệt, hành động đuổi bắt trộm vừa qua của đồng chí Chi hội trưởng và Chi hội phó đã tô đẹp hình ảnh người lính, củng cố niềm tin đối với người dân, ngay cả khi họ tuổi đã cao.