Làm lại cuộc đời

17:28, 29/08/2015

“Nay tôi trở về sau lần lầm lỡ. Nay tôi trở về sau lần vấp ngã làm mẹ đau... mẹ thứ tha cho lần con vấp phải. Con đã nhận ra sai lầm của đời con. Cũng từ nay con từ biệt nơi đây. Nơi đã cho con biết h­ướng về phía tr­ước... ”.

Câu hát của người phạm nhân dè dặt cất lên dưới trời chiều, ngay bên gốc xà cừ đại thụ ở khoảng sân của phân trại số 1, Trại giam Phú Sơn 4 (Tổng cục 8, Bộ Công an) như lời hối cải, ăn năn với người mẹ già, với cộng đồng xã hội và với chính bản thân mình. Đó là lời bài hát “Về với lời ru” của anh, chị em phạm nhân đang chấp hành cải tạo tại Trại giam Phú Sơn 4 tự cải biên, rồi hát cho nhau nghe khi bóng đổ, chiều tà.

 

Ca từ không được gọt rũa, chau chuốt, song giai điệu mang niềm khắc khoải ẩn chứa từ đáy thẳm bao tâm hồn những người con lạc lối. Nhất là những ngày Thu tháng Tám và Quốc khánh 2-9, những phạm nhân ở đây đều chung tâm trạng hồi hộp, thoáng chút lo âu, mong có tên trong danh sách được đặc xá tha tù, trở về đoàn tụ cùng người thân, phấn đấu hoàn lương, sống hòa đồng như bao con người trong xã hội. Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 cho biết: Dịp Quốc khánh 2-9-2015, Trại có gần 500 phạm nhân đủ điều kiện được xét đặc xá tha tù trước thời hạn. Để việc xét duyệt chặt chẽ, đúng pháp luật, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của đợt đặc xá theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Trại xem xét từng trường hợp đề nghị đặc xá theo một quy trình chặt chẽ theo đúng quy định của Luật Đặc xá, Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá. Chuyện đặc xá tha tù, Trung tá Nguyễn Sỹ Tâm, Đội trưởng Đội Giáo dục, Hồ sơ cho biết thêm: Để khi được hoàn lương, phạm nhân không bị bỡ ngỡ, có thể sống hòa nhập ngay với cộng đồng xã hội, trong tháng Tám, Trại chủ động tổ chức mở các lớp học có nội dung về giáo dục công dân; giáo dục pháp luật; Luật Giao thông đường bộ, đường thủy; truyền thông về HIV/AIDS và Luật Cư trú... Thông qua đó, nhận thức của phạm nhân được nâng cao, nhất là đối với những phạm nhân phải nhiều năm bị cách ly với bên ngoài xã hội.

 

Anh Bùi Minh Hiếu, 26 tuổi (Tức Tranh, Phú Lương) kể: 18 tuổi, tôi lĩnh án 17 năm tù vì can tội hiếp dâm. Vào Trại từ ngày 10-1-2007 đến nay, tôi được 4 lần giảm án, đặc biệt lần này tôi được xét đặc xá tha tù trước thời hạn, được trở về nơi tôi sinh ra, gây lên tội và bây giờ được trở về làm lại cuộc đời chính nơi mình vấp ngã trước thời hạn gần 4.000 ngày. Còn anh Hoàng Việt Hải, 30 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) kể: Tôi phạm tội giết người vì một lý do hết sức đơn giản. Do uống rượu, đi xe máy bị gây tai nạn. Do không kiềm chế được nóng nảy, tôi lỡ tay đánh chết người va chạm giao thông với mình, bị tòa án xử phạt 15 năm tù. Trong thời gian chấp hành án tại Trại giam Phú Sơn 4, do ăn năn, hỗi lỗi, tích cực cải tạo tốt, từ năm 2008 đến nay, tôi được 3 lần giảm án, với tổng thời gian án được giảm là 39 tháng. Cùng đồng hương Hà Nội, anh Phan Ngọc Nguyên, 35 tuổi, phạm tội giết người vì một mâu thuẫn nhỏ. Nguyên cho biết: Rất may là “người ta” không chết, nên tôi chỉ bị Tòa án xử phạt 8 năm tù giam. Cũng vì “liều”, Nguyễn Thành Giáp 31 tuổi (Ký Phú, Đại Từ) đã phạm tội cố ý gây thương tích. Giáp bị trừng phạt bằng bản án 30 tháng tù giam. Khi bước chân vào bên trong song sắt nhà tù, Giáp hốt hoảng, nghĩ: Cuộc đời thế là chấm hết. Nhưng khi vào trại, được giáo dục, lao động cải tạo, Giáp càng nhận thức được sâu sắc lỗi lầm mình gây nên. Do đó anh tích cực cải tạo và có tên trong danh sách được xét đặc xá tha tù lần này.

 

Trong phòng đọc thư viện của Phân trại số 1, dù bận rộn với công việc hướng dẫn cho các anh, chị phạm nhân lựa chọn sách đọc theo sở thích, nhưng Trung úy Nguyễn Anh Tùng, cán bộ phụ trách quản lý thư viện, Tổ giáo dục Phân trại số I vẫn dành thời gian trao đổi với chúng tôi. Trung úy Tùng cho biết: Ở Trại, ngoài lao động cải tạo, phạm nhân còn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thông qua đó phạm nhân được cảm hóa, giáo dục, dần thấm hiểu tội lỗi của mình gây ra ngoài xã hội. Vì thế họ chấp hành, phấn đấu cải tạo tốt, mong sớm được hoàn lương.

 

Dừng lại trước trang sách đọc dở, Đinh Văn Thanh, 25 tuổi (Gia Viễn, Ninh Bình) mắt ngấn lệ, kể: 21 tuổi, tôi lĩnh án 8 năm tù vì can tội cố ý gây thương tích. Khi vào đây, tôi được giáo dục, học tập, lao động, hằng ngày tôi phấn đấu cải tạo thật tốt để mong sớm về đoàn tụ cùng gia đình. Vào Trại từ năm 2011 đến nay, tôi được giảm án 2 lần, mừng nhất là dịp này tôi có tên trong danh sách đặc xá tha tù trước thời hạn. Không có gì thay đổi, tôi được trở về với gia đình sớm hơn gần 4 năm so với hình phạt của tòa án trước đó... Thanh dừng lời, mắt ướt nhòe vì cảm xúc mừng, tủi đan cài. Nhìn khuôn mặt nhàu hơn tuổi của Thanh, tôi thầm nhủ: Nếu cuộc đời không có từ “giá như”, thì Thanh, và rất nhiều trường hợp khác trong xã hội sẽ là người con ngoan, được học tập, phấn đấu, rèn luyện để trở thành một con người có ích cho đời. Chỉ vì một chút nông nổi đã khiến bao những thân phận phải trả giá đắt bằng chuỗi ngày mất quyền công dân.

 

Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cơ, Đội trưởng Đội Quản giáo cho biết: Làm công tác quản giáo không chỉ bằng sự cứng nhắc của pháp luật để trừng trị người phạm tội, mà bằng tình yêu thư­ơng con ng­ười để cảm hoá, giáo dục, giúp cho phạm nhân chấp hành cải tạo tốt, mở cho họ một lối về. Từ suy nghĩ, quan điểm nhân văn như vậy, nên suốt nhiều năm nay, Thiếu tá Cơ và cán bộ, chiến sĩ Trại Giam Phú Sơn 4 luôn quan tâm, sâu sát, khuyến khích cho phạm nhân có động lực phấn đấu, v­ươn lên trở thành một công dân sống có ích cho xã hội, để khi trở về với cuộc đời thường, được thứ tha vì lần vấp ngã, được mọi người trong cộng đồng xã hội cảm thông, sẻ chia, giúp mỗi người nguôi quên nỗi đau lòng do chính bản thân họ gây ra, để họ đứng dậy, xin được làm lại cuộc đời.