“Ngày trước không biết chữ khổ lắm, xuống xã làm giấy tờ có cái tên của mình cũng viết không nổi, phải dùng tay điểm chỉ; muốn bắt xe đi đâu cũng chẳng biết đọc cái chữ viết trên biển là gì nên lúc nào cũng phải hỏi, có lần vẫy nhầm xe còn bị họ nói “không biết chữ à”- xấu hổ lắm, còn bao nhiêu cái thiệt thòi nữa. Bây giờ thì khác rồi”.
Biết chúng tôi đến thăm lớp xóa mù, chị Phạm Thị Nhị, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Dân Tiến (Võ Nhai) điện thoại dặn dò: Tôi vào trong ấy trước thông báo cho cô và trò phấn khởi. Các nhà báo cứ cho xe rẽ lên đường xã Phương Giao nhưng được 1 đoạn thì hỏi lên nhà văn hóa Đồng Ươm ai cũng biết mà dễ đi lắm, đường bê tông vào tận nơi.
Con đường bê tông êm ái uốn lượn như dải lụa đặt xuyên qua những nương ngô vừa thu hái xong đã thay cho lối mòn gập ghềnh men sườn núi mà trước đây chúng tôi phải leo bộ. Nhà nào cũng như nhà nào, ngô chất đống đầy sân, tranh thủ hong nắng. Chắc hẳn người Mông nơi đây vừa được một vụ mùa bội thu. Trên những sườn núi, vẫn thấp thoáng bóng người bẻ ngô, còng lưng gùi về bản.
Đang mê mải với cảnh núi non hùng vỹ, chúng tôi bỗng nghe tiếng đọc bài của học sinh đồng thanh vang lên: “Lớp Một ơi! Lớp Một! đón em vào năm trước;nay giờ phút chia tay; gửi lời chào tiến bước!”… Từng tiếng, từng câu được cất lên to rõ ràng, có vần điệu như học sinh tuổi măng non len lỏi vào từng nương ngô, vạt núi kéo chúng tôi đến gần hơn Nhà sinh hoạt cộng đồng - Đồng Ươm (do Công an tỉnh xây tặng). Nào ngờ, lớp học ấy chỉ có hơn chục người “quá lứa”. Lớp học “vỡ lòng” này có đủ mọi lứa tuổi. Người trẻ nhất là 20 tuổi và người lớn tuổi nhất đã ngoại ngũ tuần, giữ chức ông, chức bà trong gia đình. Trong số họ, hầu hết chưa một lần “làm quen” với chữ nghĩa, cũng có người đã từng biết đọc, biết viết nhưng lại bị rơi rớt dần theo từng vụ lên nương tra ngô, bẻ bắp hay mải chuyện yêu đương lấy vợ, theo chồng...
Chăm chú vào bài từ đầu nhưng gần cuối buổi học, Đào Văn Múa (sinh năm 1995 và là học viên trẻ nhất lớp) cứ nhấp nhổm không yên. Đến lúc như không chịu được nữa, Múa đứng dậy lễ phép: Xin cô Nhạn cho em nghỉ sớm hơn mọi người, em về nhà nấu cơm cho vợ, kẻo trưa nó đói ạ!
Cả lớp che miệng khúc khích. Cô giáo cười hiền lành đồng ý. Bởi sáng nay đến lớp, Múa đã khoe với mọi người vợ mình vừa đẻ đứa con trai thứ hai. Nhưng vì hôm nay là buổi ôn tập chuẩn bị cho đợt thi kết thúc năm học nên bỏ thì Múa tiếc lắm. Từ nhỏ, Múa sống ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang), sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ và chưa bao giờ được đến lớp học. Cách đây 4 năm, Múa về Đồng Ươm lấy vợ rồi ở luôn đây. Vất vả từ thủa nhỏ, vừa mới lớn thì gánh nặng gia đình đè lên vai nên Múa trông khắc khổ và già hơn tuổi 20 rất nhiều.
Còn Lý Thị Đình sinh năm 1989, cũng đã có 2 mặt con. Đứa lớn vừa học xong lớp 1, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi. Nhiều hôm không có ai trông con, Đình phải mang con theo lên lớp. Khi về nhà, cứ lúc nào rảnh chị lại rủ đứa lớn cùng học chữ, đánh vần nên tiến bộ khá nhanh. Bàn tay thô kệch, chai sạn với nhiều vết sẹo lâu năm của Đình từ từ đưa cây bút nắn nót từng chữ, tuy còn chậm nhưng nét chữ thẳng và dễ đọc. “Tay mình cầm cuốc, cầm dao quen rồi. Cây bút nhỏ xíu, nhẹ thế mà ngày đầu sao nó khó bảo thế. Mãi rồi nó mới nghe lời đấy anh ạ! Học chữ khó thật nhưng không biết còn khổ hơn, con cái bây giờ nó cũng đi học rồi mà, mình biết còn bảo nó chứ! Đình hồn nhiên.
Chị Hoàng Thị Hóa, sinh năm 1962, học sinh nhiều tuổi nhất lớp, nói chuyện với tôi vẻ ngần ngại: Tuổi cao rồi, học mãi mới nhớ, khó nhất là chính tả, chữ nào dài phải “nhận mặt” lâu mới biết vớ”. Chị Hóa vốn người Hà Quảng (Cao Bằng) di cư về Đồng Ươm từ năm 2006. Ở nhà đã có cháu nội, cháu ngoại bế bồng nhưng trước khi đến lớp, cô vẫn chưa biết nói tiếng Kinh. Nhờ theo lớp xóa mù, nay chị đã nói tiếng Việt khá sõi, đọc và viết tốt hơn so với nhận thức và lứa tuổi của mình.
Trong nhóm học trò ấy, Dương Thị Hồng là người có vẻ sáng dạ, nhanh nhẹn và mạnh dạn hơn cả. Sinh năm 1978, Hồng có đôi tay thêu váy Mông rất khéo và đẹp. Hồng tâm sự: Ngày trước không biết chữ khổ lắm, xuống xã làm giấy tờ cái tên của mình cũng viết không nổi, phải dùng tay điểm chỉ; muốn bắt xe đi đâu cũng chẳng biết đọc cái chữ viết trên biển là gì nên lúc nào cũng phải hỏi, có lần vẫy nhầm xe còn bị họ nói “không biết chữ à”- xấu hổ lắm, còn bao nhiêu cái thiệt thòi nữa. Bây giờ thì khác rồi, mình đã biết viết lại còn biết tính toán nữa. Vui lắm.
Quả thực, mới đầu nghe nói có lớp xóa mù cho người lớn tuổi trên bản Mông, chúng tôi không khỏi ngờ ngợ. Xã Dân Tiến đã hoàn thành chương trình xóa mù từ lâu, sao nay lại có lớp xóa mù? Thì ra, phần đa những người Mông mù chữ nơi đây là do du canh, du cư từ nơi khác đến. Anh Lầu Văn Bằng, Phó xóm Tân Tiến, phụ trách khu Đồng Ươm trầm ngâm: Đồng Ươm có 58 hộ, 363 nhân khẩu thì có tới 70% là hộ nghèo, sống chủ yếu bằng việc làm rẫy trồng ngô. Số người “lạ chữ” ở đây còn khá lớn với nhiều lý do. Trong đó, mỗi năm có 2, 3 hộ chuyển từ tỉnh khác đến hầu hết đều không biết chữ.
Cũng chính vì thế mà năm 2013, khi chị Phạm Thị Nhị cùng các hội viên Hội Phụ nữ xã lên Đồng Ươm, Lân Vai tuyên truyền, vận động bà con người dân tộc Mông thực hiện chủ trương, tham gia các hoạt động của Hội mà thấy khó quá. Nguyên nhân cũng là do bất đồng ngôn ngữ và họ chẳng thể nhận được mặt chữ nên khó hiểu, khó gật đầu là đúng thôi. Sau bao lần như vậy, chị Nhị suy nghĩ rồi bàn với các thành viên trong Ban Chấp hành hội đề nghị các cấp, ngành chức năng xin mở lớp xóa mù tại 2 bản Đồng Ươm và Lân Vai cho đồng bào người Mông. Đề xuất được chấp nhận, Hội Phụ nữ xã về xóm tiếp tục rà sát nhiều lần, thống kê số người chưa biết chữ, những ai có nhu cầu học... “Số người không biết chữ ở 2 khu người Mông này lên tới hàng trăm nhưng qua quá trình vận động, số đăng ký chỉ đạt trên 40 người. Thế là đến năm 2014, hai lớp học cũng đã được khai giảng. Sau vì nhiều lý do, sĩ số cứ thưa dần. Đến thời điểm này mỗi lớp còn duy trì được 12 học sinh. “Dù ít hay nhiều, lớp học vẫn cứ diễn ra suôn sẻ như các anh thấy đấy. Họ miệt mài, cặm cụi viết từng chữ, đọc từng từ chỉ với một khao khát: trở thành người biết chữ, có học”. Chị Nhị nói.
Cô Nông Thị Nhạn (giáo viên Trường Tiểu học Dân Tiến 2), người trực tiếp dìu dắt các học trò đặt biệt ở Đồng Ươm tâm sự: Theo đăng ký ban đầu, lớp có trên 20 học sinh nhưng rồi cứ rơi rớt dần. Có người vì nói tiếng Kinh chưa sõi, có người vì thấy học khó quá nên bỏ. Đến lúc vào nếp, lớp còn 12 người, cũng may duy trì được. Vận động họ ra lớp đã khó, giữ họ cũng phải kiên trì bởi học sinh đều là lao động chính trong gia đình, hễ vào những ngày chính vụ thì đành nghỉ và bố trí học bù vào buổi khác. Cũng có người mình phải vào tận nhà vận động, giảng giải, họ hiểu ra rồi lại đi học. Thấy mọi người chịu khó, ham học tôi cũng mừng.
Dẫu rằng, lớp học xóa mù chữ thế này chưa thể đem lại ngay sự no ấm, nhưng chắc chắn nó sẽ có tác động tích cực đến đời sống của người Mông. Họ đã biết học chữ không no cái bụng nhưng nó sẽ đem ánh sáng về cho chính họ, cho gia đình, xóm làng. Có chữ, rồi đây cuộc sống sẽ bớt tăm tối hơn. Giống như ao ước của em Lầu Thị Mai (sinh năm 1992) nói với chúng tôi khi chia tay lớp học: Giờ biết đọc, biết viết rồi em muốn được học lên các lớp cao hơn, để sau này có thể đọc báo, tạp chí, học cách làm ăn nữa chứ, không thì nghèo khổ mãi sao.