Nhiều người dân vùng cao mong mỏi được dùng điện ổn định

08:30, 21/08/2015

Hàng trăm hộ gia đình ở các xã vùng cao, xã ATK Văn Lăng, Văn Hán, Khe Mo (Đồng Hỷ) đang chịu tình trạng nguồn điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất hàng ngày quá yếu, thường xuyên mất đột ngột. Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt sản xuất của người dân.

Các xã Văn Lăng, Văn Hán, Khe Mo có nhiều diện tích đất đồi, người dân nhiều xóm sống chủ yếu bằng nghề làm chè và cấy lúa. Thực trạng điện yếu và thường xuyên bị quá tải, ngắt đột ngột đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của bà con.

 

3 xóm Làng Hỏa, Làng Cả, Ấp Chè (Văn Hán) có trên 550 hộ dân với 2 nghìn nhân khẩu, gần 100% hộ dân ở đây sản xuất chè. Đến gia đình chị Dương Thị Loan, xóm làng Hỏa vào 18 giờ khi chị bắt đầu sao chè sau 1 ngày thu hái, trong ánh đèn đỏ quạch, chúng tôi thấy chị Loan, mồ hôi chảy thành dòng trên mặt, vừa tất bật kiểm tra lửa cháy trong lò vừa phải đẩy cho máy vò chè chạy nhanh hơn. Chị cho biết, nhiều năm nay điện yếu quá, tôi thường xuyên phải đẩy máy sao, tôn quay, nếu không thì hỏng mất sản phẩm chè. Như tôn quay này, nhiệt độ đang nóng thế, điện áp yếu hoặc mất đột ngột sẽ khiến chè bị đỏ hoặc cháy, giảm hẳn độ thơm ngon. Còn đối với máy vò, khi chè đang chuẩn bị lên hình cong móc câu, điện áp yếu thì phải đẩy cho quay nhanh hơn nếu không cánh chè bị dập nát… Chính vì vậy, người dân trong xóm đều mua loại tôn quay có tay cầm, máy vò có bộ phận đẩy tay để khi điện yếu thì nhanh chóng quay bằng tay để đảm bảo máy chạy không quá chậm.

 

Ông Trần Xuân Trịnh, trưởng xóm Làng Hoả cho biết: Cây chè mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong xóm, thế nhưng nhiều năm nay, điện của Làng Hỏa rất yếu, không đủ để cung cấp cho sản xuất chè cũng như sinh hoạt của bà con. Người dân trong xóm phải chia giờ sao chè, để tránh nhiều nhà cùng sao một lúc khiến điện quá tải, mất đột ngột làm hỏng chè. Vì vậy, nhiều gia đình phải dậy sao chè từ nửa đêm. Do điện yếu, không ổn định, nên mặc dù người dân đã cố gắng nhưng rất nhiều mẻ chè sao vẫn bị hỏng, giảm chất lượng dẫn đến phải hạ giá đến 50% thậm chí phải đổ đi. Được biết, cùng với xóm Làng Hỏa, xóm Làng Cả và Ấp Chè của xã Văn Hán cũng chung nỗi khổ về điện áp yếu. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, 3 xóm kể trên dùng điện được cung cấp từ 1 trạm biến áp chung chỉ có 160 KVA không đủ công suất đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Vì vậy, nguồn điện này yếu thường xuyên và dễ bị mất đột ngột do quá tải.

 

Tình trạng quá tải này cũng xảy ra ở các vùng chè xóm Đèo Khế, Long Giàn, Thống nhất, xã Khe Mo. 3 xóm kể trên cùng dùng chung nguồn điện từ 1 trạm biến áp 250 KVA chung, khiến điện áp yếu không đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân.
Không chỉ ảnh hưởng xấu đến sản xuất, tình trạng điện yếu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Điện yếu và chập chờn khiến các thiết bị sử dụng điện rất dễ bị hư hỏng. Theo chị Lâm Thị Ngọc, xóm Đèo Khế, xã Khe Mo: Vào những giờ cao điểm trong ngày như trưa và tối, người dân không thể sử dụng điện để nấu cơm, bơm nước hay sao chè. Điện yếu khiến máy bơm nước của gia đình tôi và các gia đình xung quanh thường xuyên nóng ran, dẫn đến bị hỏng. Còn các đồ điện như tủ lạnh, điều hòa thì không thể sử dụng được.

 

Tại xã vùng cao Văn Lăng, chúng tôi cũng thấy người dân các xóm Tân Lập II, Tân Thành, Khe Cạn, Dạt phản ánh tình trạng điện sinh hoạt quá yếu. Điện quá yếu nên người dân ở đây đều phải dùng máy nổ để bơm nước vào đồng lúa, nương chè. Thời điểm nắng gắt trong mùa hè vừa qua, nhiều gia đình không có điều kiện mua máy nổ đành để nương chè khô hạn. Chúng tôi đến gia đình anh Triệu Văn Long, xóm Dạt vào thời điểm khoảng 9 giờ 30 phút. Mặc dù nhà anh chỉ sử dụng 1 chiếc quạt máy nhưng điện cũng không đủ tải, lúc chạy, lúc không. Anh Long cho biết:  Tình trạng điện yếu ở đây đã xảy ra trong thời gian dài. Việc phải sử dụng nguồn điện yếu khiến người dân nơi đây nếu có tiền cũng không dùng được các máy sao chè vì vậy gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi trong sinh hoạt, sản xuất…

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn điện yếu, chập chờn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất ở các khu vực kể trên là do trạm biến áp không đủ công suất và hệ thống lưới điện đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, thay thế kịp thời. Người dân trong các vùng kể trên đều mong muốn ngành Điện và chính quyền địa phương nhanh chóng xây dựng thêm các trạm biến áp, sửa chữa hệ thống dây dẫn để người dân được sử dụng điện ổn định, thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế.