“Nóng” chuyện nhà ở cho công nhân

16:25, 16/08/2015

Thời gian gần đây, sự dịch chuyển lao động một cách ồ ạt nhằm phục vụ một số dự án lớn trên địa bàn đã khiến cho bài toán nhà ở công nhân càng trở nên hóc búa hơn. Theo tính toán của các chuyên gia ngành xây dựng thì hiện tại chúng ta vẫn đang thiếu cả chục nghìn chỗ ở cho người lao động, dù chính quyền địa phương và bản thân các doanh nghiệp sử dụng lao động đã nỗ lực rất nhiều.

Ở thời điểm này, không chỉ mấy huyện, thành, thị phía Nam của tỉnh, trong đó tâm điểm là T.X Phổ Yên (nơi có các nhà máy sản xuất điện tử của Tập đoàn Samsung và các đơn vị phụ trợ đi kèm), mà ngay cả T.P Thái Nguyên và một vài địa phương lân cận cũng đang rất sôi động chuyện xây nhà ở cho công nhân. Khu vực phường Tân Thịnh, nhất là đoạn gần cầu vượt Đán, được xem là nhộn nhịp hơn cả bởi đây là một trong những điểm tập kết lao động lớn của Samsung Thái Nguyên. Gần như lúc nào ở đây cũng có hàng chục chiếc xe buýt của Samsung vào ra đón đưa công nhân. Do là điểm trung chuyển nên khu vực này mọc lên khá nhanh và nhiều nhà trọ mới. Theo thông tin từ phường Tân Thịnh, chỉ hơn 7 tháng qua, trên địa bàn đã có trên 100 phòng trọ được xây mới, trong đó có những dãy nhà trọ xây hai tầng có số lượng từ 20 đến 30 phòng. Dù vậy vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của công nhân Samsung. Phía Trung tâm điều hành nhân sự của Samsung cho biết, riêng khu vực Tân Thịnh, lượng lao động lên tới vài nghìn, chủ yếu là người Thái Nguyên và một số địa bàn lân cận. Do Samsung chưa lo được hết chỗ ở nên tạm thời phải phân tán lao động ra xung quanh. Chị Nguyễn Thị Hường, một lao động làm việc cho Samsung, hiện đang trọ tại tổ 11, phường Tân Thịnh tâm sự: Mấy chị em hiện vẫn phải ở chung một phòng vì thiếu nhà trọ. Một số bạn phải đi tận sâu bên trong gần cây số mới thuê được nên cũng vất vả.

 

Với lượng lao động hiện tại của Samsung Thái Nguyên lên tới trên 57 nghìn người thì dù nhà ở trọ nhỏ lẻ trong dân có mọc lên như nấm cũng chưa thể đáp ứng ngay được. Đấy là chưa nói đến cả chục nghìn lao động của các dự án phụ trợ cho Samsung cũng như các nhà máy, xí nghiệp sử dụng nhiều lao động khác trên địa bàn.

 

Theo bà Khổng Thị Tâm Hằng, Thư ký Tổng Giám đốc Samsung Thái Nguyên thì hiện đơn vị này mới xây dựng được 18 tòa nhà ký túc xá, giải quyết chỗ ở cho 18.000 lao động. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, Doanh nghiệp đã phải bố trí tới 390 xe buýt cỡ lớn chia làm 9 tuyến (đi 4 tỉnh) đưa đón trên 26 nghìn lao động. Người lao động nào may mắn được bố trí chỗ ở hoặc chủ động tìm kiếm được chỗ ở thuận tiện thì có cuộc sống ổn định hơn, còn không thì chấp nhận gặp khó khăn. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hoàng Quang Tuấn, trú tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), hiện đang làm việc cho Samsung Thái Nguyên, nói: Ngày nào cũng phải đi xa, chờ đợi, cộng với áp lực công việc khiến tôi luôn thấy mỏi mệt. Giá được ở ngay gần nơi làm việc thì sẽ tiện sinh hoạt và đảm bảo sức khỏe hơn.

 

Đánh giá mới nhất của Sở Xây dựng Thái Nguyên cho thấy nhu cầu nhà ở toàn tỉnh hiện nay đang là trên 139.000 người, trong đó riêng công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp tập trung là khoảng 43.000 người. Thực tế hiện nay, kể cả nhà ở do doanh nghiệp xây dựng và nhà ở tự phát trong dân cũng chỉ đáp ứng được khoảng hơn một nửa nhu cầu thực tế. Ngoài Samsung tự lo được khoảng 18.000 chỗ ở, Công ty Luyện Kim màu và Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG tự lo được 2.100 chỗ ở, cùng hàng trăm chỗ ở khác tận dụng trong ký túc xá một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, còn lại hầu hết là ở trọ trong nhân dân. Như vậy, nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng khả năng đáp ứng lại đang có hạn do nguồn vốn của các doanh nghiệp còn ít, đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm.

 

Gần đây, các nhà sử dụng lao động lớn trên địa bàn đã rất nỗ lực đầu tư giải quyết chỗ ở cho công nhân, đồng thời tính đến những phát sinh lao động những năm tiếp theo. Samsung Thái Nguyên đang tiếp tục triển khai thêm 8 tòa nhà ký túc xá nữa để phấn đầu nâng số chỗ ở tại chỗ cho trên 25.500 lao động. Còn Công ty TNHH Glonics Việt Nam cũng đã lập dự án xây dựng 6 khối nhà 6 tầng với tổng số 480 căn, giải quyết chỗ ở cho 2.900 lao động, dự kiến hết năm 2016 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình, nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình (nơi Samsung Thái Nguyên đang đóng chân) cũng đang tiến hành xây mới 16 khối nhà 9 tầng với tổng số gần 8.000 căn để phục vụ chỗ ở ổn định cho khoảng 28.000 công nhân trong Khu công nghiệp và dự kiến năm 2019 đưa vào khai thác. Cùng góp sức với các doanh nghiệp, chính quyền T.P Thái Nguyên đã xây dựng Dự án hạ tầng khu dân cư đồng bộ và nhà ở cho các đối tượng có nhu cầu tại phường Tích Lương. Quy mô gồm 2 khu chung cư, tổng số 450 căn, giải quyết chỗ ở cho 1.800 người và khu nhà thấp tầng khoảng 1.124 lô đất đáp ứng cho khoảng 6.000 người, dự kiến sẽ triển khai trong giai đoạn 2017-2019. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp khác đang xin đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội như: Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ, Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Hồng Long, Công ty TNHH Hồng Ngọc Việt xây nhà ở xã hội tại T.X Phổ Yên; Công ty TNHH Một thành viên Bình Minh Phát xây nhà ở xã hội tại phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên)…

 

Về lâu dài, để đáp ứng được nhu cầu nhà ở ngày càng cao cho người lao động trên địa bàn, tỉnh ta đã xây dựng Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn này tỉnh dự kiến sẽ huy động trên 2.800 tỷ đồng từ vốn ngân sách và khoảng 73.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn, trong đó có khoảng 12.500 căn nhà ở cho đối tượng là người có thu nhập thấp, trên 5.000 căn nhà ở công nhân và khoảng 21.500 căn nhà cho đối tượng là hộ nghèo ở khu vực nông thôn. Với Chương trình này, dự kiến sẽ góp phần giải quyết tới trên 50% nhu cầu nhà ở cho người lao động đang làm việc tại các dự án trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thúc đẩy quy hoạch, bố trí quỹ đất và triển khai xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư và khu nhà ở công nhân trên địa bàn các huyện, thành, thị phía Nam của tỉnh là Phú Bình, Phổ Yên và Sông Công.

 

Như vậy, về lâu dài thì khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động là khá khả quan, song ở thời điểm hiện tại, nhiều lao động vẫn phải ở rất xa nơi làm việc bởi lượng nhà trọ trên địa bàn tỉnh chưa thể đáp ứng kịp.