Rời con đường bê tông dọc kênh Núi Cốc chạy giữa địa bàn xã Phúc Trìu, chúng tôi qua cầu Trường học để vào xóm Nhà Thờ. Vốn dĩ các cây cầu bắc qua kênh không có tên riêng, tùy đặc điểm xung quanh cầu mà người ta gọi để phân biệt. Cầu Trường học dẫn vào Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Phúc Trìu. Đây là xã khó khăn về giao thông nhưng lại là xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới đầu tiên của Thành phố Thái Nguyên.
Phúc Trìu nằm trong vùng chè đặc sản Tân Cương, trong danh sách chỉ dẫn du lịch vì có cảnh đẹp nổi tiếng tạo nên bởi những đồi chè thoai thoải. Phúc Trìu đặc biệt hơn bởi có Nhà thờ giáo xứ Tân Cương, với hàng nghìn giáo dân đến sinh hoạt thường xuyên. Nơi có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa sinh sống nhất xã Phúc Trìu là xóm Nhà Thờ. Cuộc sống yên ả bên những đồi chè xanh mướt, người dân hiền hậu giản dị, tiếng chuông nguyện ngân nga khiến lòng người an nhiên.
Trưởng xóm Nguyễn Hữu Đình tự hào cho tôi xem những bức ảnh ông chụp nhà thờ Giáo xứ Tân Cương. Công trình lộng lẫy, uy nghiêm là thành quả công sức của hàng vạn giáo dân không chỉ trong giáo xứ. Ông Đình tự hào hơn vì nhà thờ nằm trên đất của xóm, nơi 70 năm trước, những giáo dân từ Xuân Trường (Nam Định) lên Thái Nguyên sinh sống, họ gom góp dựng lên nơi sinh hoạt tín ngưỡng đầu tiên bằng tre nứa, từ đó mà xóm mang tên Nhà Thờ. Nay, vào các ngày lễ trọng, khoảng 5.000 giáo dân ở các xã Thịnh Đức, Tân Cương, Phúc Trìu, Quyết Thắng… tụ họp về xóm nhỏ này cùng cầu xin phước lành nơi Chúa.
Bước qua vòm cổng làng có hàng chữ đắp nổi “Làng nghề chè truyền thống xóm Nhà Thờ”, mắt tôi lạc vào màu xanh mênh mông của chè. Sau những ngày mưa, búp chè trổ tua tủa, non mơn mởn. Trên những vạt đồi thoai thoải, người xóm đổi công hái chè cho nhau, ríu rít chuyện trò.
Ông Đình cũng có quê gốc ở Nam Định, năm nay 48 tuổi. Ông Đình từng định thoát ly “làm người nhà nước” bằng cách theo học nghề sửa chữa thiết bị luyện kim, nhưng chỉ thử nghề được có 6 tháng, ông về quê, gắn bó với ruộng lúa, đồi chè từ đấy.
Rót mời tôi chén trà màu vàng mơ, uống có vị chát ngọt, ông Đình cho biết đây là giống chè trung du truyền thống, nước ngon, đậm nhưng không thơm bằng chè cành. Dân trong xóm chủ yếu trồng chè cành, năng suất cao, giá bán cũng cao hơn. Nhà ông có 4 khẩu, con trai cả sang Nhật du học một năm rồi, nay cháu vừa học vừa làm nuôi được bản thân; vợ ông mới thoát ly ruộng vườn làm công nhân may. Cai quản cơ ngơi 5.000 mét vuông đất, ông thu hơn 100 triệu đồng/năm từ chè và nuôi lợn, trong đó bán chè búp khô là 70 triệu đồng.
Ngắm ruộng, vườn, chuồng trại nhà ông mới thấy ông trưởng xóm này chăm chỉ cỡ nào. Mọi thứ trong nhà sạch sẽ tinh tươm. Đồi chè mỡ màng, ao cá, ruộng lúa, vườn bãi quy hoạch đâu ra đấy.
Ông Đình không chỉ chăm làm việc nhà mà còn chăm việc xóm. Sinh ra và trưởng thành từ đây, làm Phó xóm rồi Trưởng xóm từ năm 2009 đến nay, ông Đình thuộc tình hình của xóm như thuộc lòng bàn tay. Xóm ông có 142 hộ, nhưng có 152 nóc nhà, vì một số gia đình con cái đã ra ở riêng nhưng chưa tách khẩu. Đất canh tác có hơn 69ha, chỉ 15ha lúa, còn lại là trồng chè.
- Từ khi có Liên hoan Trà Quốc tế Thái Nguyên lần thứ nhất (năm 2011), chè xóm tôi được nhiều người biết đến, giá bán cao hơn và dễ bán hơn. Tham gia các cuộc thi ở Liên hoan, xóm tôi được 4 giải Vàng, Bạc về sao chè, búp chè, trình diễn rót trà - ông Đình cho biết.
Nhận nhiệm vụ trưởng xóm 5 năm nay, có nhiều việc quan trọng ông Đình cùng bà con đã làm thành công. Đó là vận động nhân dân làm nhà văn hóa diện tích 81m2, xây sân khấu ngoài trời 60m2 và đối ứng xây dựng 3,7km đường bê tông. Đến 2011 ông kêu gọi bà con góp công xây cổng làng. Vui nhất là đời sống bà con khấm khá lên nhiều, 15 hộ nghèo (2010) nay chỉ còn 5 hộ. Các nhà nghèo được vay tiền ngân hàng lãi suất thấp để mua trâu, mua lợn, cây giống.
Từ nhà ông Đình, chúng tôi vượt cánh đồng sang nhà ông Nguyễn Văn Họa. Ông Họa bị dị tật bẩm sinh, một tay không cử động được, vợ lại mang bệnh trọng, nên đời sống thuộc hộ nghèo của xóm. Ấy là chuyện mấy năm trước, nay nhà ông Họa to nhất nhì xóm, mỗi năm ông thu 200 triệu đồng từ chè và lúa. Ông còn gom góp mua được một lô đất 3.000m2, dự kiến làm trang trại lợn.
Đang làm cỏ chè, biết nhà có khách, ông Họa chạy về tiếp chúng tôi. Vuốt những giọt mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt, ông Họa kể: Tôi xây nhà được nhà nước giúp 7 triệu đồng, rồi được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng lãi suất 0,65%, được Hội Nông dân xã hỗ trợ 1.000 bầu chè cành giống để thoát nghèo. Ông Họa nay không những thoát nghèo, mà đã trở thành hộ khá của xóm. Nói về tình hình an ninh của xóm, ông Đình cho biết xóm giờ “3 không”: Không trộm cắp, không nghiện hút, không cờ bạc. Đi làm không cần khóa cửa. Người dân sống hiền hậu, ít tranh chấp, kèn cựa. Ngoài vai trò trưởng xóm, ông Đình còn là trưởng nhóm Gia trưởng. Đây là tổ chức của nhà thờ, mỗi nhóm tập hợp khoảng 20 người đàn ông có gia đình. Họ gặp gỡ hội họp hàng năm, xác định với nhau vai trò gia trưởng (người đứng đầu gia đình) của mình. Đó là: Không đánh vợ con, không uống nhiều rượu, phải gương mẫu cho con cái noi theo, công việc nặng phải gánh vác.... Người nào trong năm làm chuyện “không nên không phải” với gia đình thì tự kiểm điểm, nhận lỗi hứa với anh em trong nhóm gia trưởng rằng từ nay không tái phạm.
Trước lúc tôi chia tay xóm Nhà Thờ, ông Đình báo cho tôi một tin vui: Ông đã hoàn thành khóa học bồi dưỡng kiến thức về Đảng, đang làm thủ tục để được đứng vào hàng ngũ của Đảng trong năm nay. Chi bộ Nhà Thờ có 5 đảng viên, thì 2 đảng viên được miễn sinh hoạt do tuổi cao, 1 đảng viên mới mất. Có ông Đình, Chi bộ sẽ không những không phải sinh hoạt ghép mà còn được tiếp thêm sức mạnh.
Nói về ông Nguyễn Hữu Đình, ông Trịnh Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu tự hào: Đó là một trưởng xóm năng động, hết lòng vì công việc chung. Ông Đình không chỉ được bà con xóm Nhà Thờ và xã Phúc Trìu ghi nhận mà còn được Ban Dân vận Tỉnh ủy biểu dương do có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước “sống tốt đời, đẹp đạo” năm 2015.