Phân loại rác thải sinh hoạt: Bắt đầu từ mỗi gia đình

08:10, 07/08/2015

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đến nay xóm Trung Tâm, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) được đánh giá là một trong những xóm thực hiện tốt việc thu gom rác thải theo Đề án “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” của Thành phố.

Đề án “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” được triển khai bắt đầu từ ngày 1-12-2014. Theo đó, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố chủ động nguồn túi nilon: màu xanh, đỏ, trắng rồi chia rác thành 3 loại: đốt được, không đốt được và rác tái chế. Sau đó, người dân mới bỏ rác ra ngoài để công nhân môi trường thu gom. Rác sau khi phân loại phải được lưu giữ trong nhà hoặc trong cơ quan, đơn vị, chỉ tập kết ra vị trí thu gom khi đến giờ thu gom.

 

Xóm Trung Tâm nằm trên trục đường Tố Hữu (hướng đi Hồ Núi Cốc), với trên 90 hộ dân, đa phần các hộ dân đều làm kinh doanh, dịch vụ nhưng hộ nào cũng đều có ý thức tự giác trong việc phân loại rác thải sinh hoạt ra từng loại. Ông Vũ Đình Tự, Bí thư Chi bộ xóm cho biết: Khi chưa có Đề án “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” của Thành phố, xóm chúng tôi đã triển khai việc phân loại rác thải tới tất cả các hộ dân trong xóm. Đến khi Đề án được triển khai, gần như 100% người dân trong xóm đều ủng hộ và thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác thải nên xóm không còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường, suối, kênh mương...

 

Dạo một vòng quanh xóm, chúng tôi nhận thấy hộ gia đình nào của xóm cũng đều có một sọt đựng rác hay xô để trước cửa. Bên trong sọt rác có 3 chiếc túi, mỗi túi một màu khác nhau. Người dân ở đây lý giải, túi màu xanh đựng rác đốt được (thực phẩm, giấy bẩn, vải, lá cây, tre nứa...) dễ phân hủy, túi màu đỏ đựng rác không đốt được (mảnh sành, sứ, thủy tinh vỡ, cao su...), còn túi màu trắng dùng để dựng rác thải có thể tái chế (vỏ lon, nhựa, sắt, đồng, nhôm...) nhưng loại này thì rất ít bởi bà con thường tận dụng để bán sắt vụn. Trò chuyện với chúng tôi về việc phân loại rác thải của gia đình, bà Lê Thị Loan vui vẻ nói: Tôi luôn xác định việc làm sạch cho gia đình chính là làm sạch cho xóm làng nên khi xóm triển khai Đề án “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn” tôi rất đồng tình và ủng hộ việc làm này”. Còn chị Nguyễn Thị Lý chia sẻ: Con tôi năm nay 15 tuổi, tôi thường xuyên nhờ cháu phân loại và cho rác vào sọt. Mỗi khi cháu quên phân loại rác vào từng túi, tôi đều nhắc nhở và làm lại cho cháu thấy để cháu có ý thức hơn trong việc phân loại rác để bảo vệ môi trường.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để đảm bảo vệ sinh môi trường, không còn rác tồn hàng ngày, xóm đã vận động bà con đóng góp tiền, công sức đổ đoạn đường bê tông dài gần 100m lên khu tập kết rác của xóm. Đến giờ thu gom theo quy định công nhân Công ty Cổ phần Môi trường - Đô thị Thái Nguyên sẽ đến từng hộ lấy rác và chuyển lên khu tập kết. Khi nhận rác, nếu phát hiện rác chưa được phân loại hoặc phân loại không đúng thì công nhân thu gom yêu cầu chủ nguồn phải phân loại theo quy định rồi mới nhận rác. Ngược lại, nếu chủ nguồn thải cố tình không thực hiện thì công nhân có quyền không nhận rác, đồng thời ghi lại địa chỉ chủ nguồn thải, báo cáo UBND xã để xử lý theo quy định.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBMTTQ xã cho biết: Hiện nay, việc phân loại rác thải tại nguồn theo Đề án của thành phố đã được triển khai sâu rộng đến tất cả 15/15 xóm của xã. Đặc biệt, xóm Trung Tâm đã thực hiện tương đối tốt việc thu gom, phân loại rác thải. Thời gian tới, để Đề án được các hộ dân ở các xóm xa trung tâm xã thực hiện nghiêm, chúng tôi luôn xác định công tác tuyên truyền là việc trọng tâm, đảng viên, lãnh đạo xóm phải là những người đi tiên phong thực hiện để người dân làm theo.

 

Có thể nói, xóm Trung Tâm là một trong rất ít đơn vị thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo Đề án của Thành phố. Việc làm này không quá khó song phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân mà không phải địa phương nào cũng làm được. Trên thực tế, việc phân loại rác tại gia đình ở các hộ dân trên các tuyến phố chính của thành phố như: Cách mạng tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến, Bến Tượng, Bến Oánh... vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Thiết nghĩ, mỗi người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc phân loại rác thải, góp phần chung tay giữ gìn môi trường luôn xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh đô thị...