GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa cho biết, hiện Viện này đang lên kế hoạch để sử dụng vắc xin bại liệt dạng tiêm (vắc xin bại liệt bất hoạt) thay cho vắc xin bại liệt đường uống giảm độc lực hiện nay.
Dự kiến từ tháng 5/2016 vắc xin bại liệt dạng tiêm sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Giải thích về sự thay đổi vắc xin này, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, về mặt tác dụng phòng bệnh cả hai loại vắc xin bại liệt bất hoạt hay giảm độc lực đều có giá trị phòng bệnh như nhau. Bằng chứng là tại Việt Nam sử dụng vắc xin bại liệt đường uống giảm độc lực và đã thanh toán được bệnh bại liệt từ năm 2000 và đến nay vẫn duy trì thành quả.
Tuy nhiên, xét về lâu dài để duy trì được thành quả thanh toán bệnh bại liệt thì việc chuyển sang vắc xin bại liệt bất hoạt dạng tiêm là cần thiết. Bởi khi sử dụng vắc xin bại liệt đường uống, đây là vắc xin giảm độc lực và khi loại uống thải vắc xin, vi rút sống giảm độc lực còn lại trong vỏ lọ có thể ra ngoài môi trường, trong điều kiện nhất định độc lực quay trở lại có thể gây bệnh và chúng ta vẫn phải duy trì tiêm để phòng nguy cơ này. Trong khi đó, nếu dùng vắc xin bại liệt đường tiêm thì sau vài năm thì có thể dừng vắc xin bại liệt vì môi trường sạch.
Theo chiến lược thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu, vắc xin đường uống sau này sẽ dần chuyển sang vắc xin bại liệt dạng tiêm. Vắc xin đường uống được sử dụng khi bệnh dịch đang lưu hành có tác dụng rất hiệu quả, tạo miễn dịch cao, cắt đứt đường lây nhiễm. Đến khi ca bệnh giảm ổn định, để tiến tới thanh toán bệnh toàn cầu thì chuyển sang dạng tiêm./.