Sinh hoạt hè cho trẻ: Hấp dẫn hơn nhờ đổi mới

17:03, 08/08/2015

Một ngày cuối tuần lang thang trong Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tôi bắt gặp các em nhỏ xúng xính trong bộ quần áo dân tộc, hào hứng múa sạp, vụng về trỉa ngô tra hạt… trong khuôn viên Bảo tàng. Hỏi ra tôi mới biết, đây là “tua” tham quan trải nghiệm có tên “Em tập làm nông dân” do Chi hội Khuyến học tổ dân phố số 35, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) tổ chức cho hơn 30 học sinh trong tổ.

Những năm trước, hoạt động hè của các cháu học sinh của tổ chỉ đơn thuần là được các anh chị đoàn viên hướng dẫn tập thể dục buổi sáng, thỉnh thoảng cho học hát, múa hay chơi trò chơi tập thể tại Nhà văn hóa. Tình trạng trên là do lực lượng đoàn viên tại cơ sở rất mỏng, ít kinh nghiệm tổ chức hoạt động hè thu hút học sinh. Sự đơn điệu về nội dung sinh hoạt khiến nhiều học sinh nghỉ hè chỉ “ru rú” ở nhà chơi điện tử, xem vi tính.

 

Hè 2015 này, lần đầu tiên Chi hội Khuyến học tổ chức hoạt động ngoại khóa cho các cháu và đã thu hút 30 cháu tham gia. Bà Phan Thị Khánh Loan, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học cho biết: Chi hội đề xuất ý tưởng lên cấp ủy và được chi bộ, tổ dân phố, chi hội Người cao tuổi, Phụ nữ, Ban công tác Mặt trận ủng hộ. Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ, giáo dục các cháu biết “Uống nước nhớ nguồn”, Chi hội đã lên chương trình cho chuyến trải nghiệm các cháu: Trong một buổi sáng, các cháu đến Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong (phường Gia Sàng) dâng hương và nghe kể về sự hy sinh anh dũng của các thanh niên xung phong Đại đội 915 trong khi làm nhiệm vụ đêm Nô en (24-12-1972); tiếp theo các cháu đến Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tham gia “tua” trải nghiệm “Em tập làm nông dân”. Bà Hoàng Thị Khuyến, Chi hội phó Chi hội Khuyến học cho biết thêm: Với mong muốn giúp thiếu nhi trong tổ “học mà chơi, chơi mà học”, chúng tôi liên hệ với lãnh đạo Bảo tàng và được biết các “tua” trải nghiệm này phù hợp với nhiều lứa tuổi. Các em được xem múa rối nước, hội chợ làng, tham gia trồng ngô, múa sạp, thăm nhà trình tường của dân tộc Mông, vẽ tranh Đông Hồ... mang lại kiến thức vô cùng mới mẻ đối với các cháu sinh sống ở thành thị.

 

Em Đỗ Phương Quỳnh (lớp 6, trường THCS Nha Trang) tươi rói: Em thấy chuyến đi rất thú vị. Em được hiểu thêm về văn hóa của các dân tộc thiểu số, thêm kiến thức lịch sử bổ ích. Em còn được thử gieo ngô, múa sạp và xem múa rối nước. Bà Trần Thị Nhiễu, đại diện Chi hội Người cao tuổi cùng đi với đoàn, chia sẻ: Chuyến đi hướng con trẻ đến với lịch sử, truyền thống. Các cháu còn được chơi các trò chơi dân gian vui nhộn.

 

Không chỉ có Chi hội Khuyến học tổ 35, phường Phan Đình Phùng, Chi hội Khuyến học tổ 18, phường Thịnh Đán cũng có cách làm bổ ích cho học sinh dịp nghỉ hè. Bà Bùi Thị Tuất, Tổ phó Tổ dân phố cho biết: Do lực lượng đoàn viên ở cơ sở quá ít, nên việc tổ chức cho các cháu thiếu nhi sinh hoạt hè như trước khó thực hiện được. Vì thế, Tổ dân phố mà nòng cốt là Chi hội Khuyến học đã thay các anh chị đoàn viên tổ chức sinh hoạt hè cho các cháu. Ngoài tập trung học múa, học hát, hằng tháng Tổ cho các cháu tham gia quét dọn đường ngõ của tổ. Ngoài ra, phong trào văn nghệ hè của tổ cũng diễn ra sôi nổi. Vừa qua, trong cuộc thi văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng cấp Thành phố, đội văn nghệ của phường (trong đó có 10/13 em thuộc tổ 18) đã giành giải 3.

 

Việc làm của 2 chi hội Khuyến học trên là gợi ý giải pháp đổi mới hoạt động hè, tránh sự nhàm chán, đơn điệu đang diễn ra ở nhiều địa phương như hiện nay.