Tăng lương tối thiểu 2016: Tiếp tục thảo luận mức tăng

09:07, 24/08/2015

Theo lịch làm việc mà Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sau phiên họp đầu tiên diễn ra hôm 5/8, thì tuần này các bên trong Hội đồng sẽ nhóm họp để thảo luận về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Cuộc họp này diễn ra sau khi bộ phận kỹ thuật của Hội đồng lương Quốc gia có những phân tích cụ thể về tình hình kinh tế - xã hội, sức chịu đựng của DN…

Phiên họp về tăng lương tối thiểu luôn có những tranh cãi nảy lửa vì liên quan đến lợi ích sát sườn của các bên. Đại diện phía người lao động thì muốn tăng cao theo đúng lộ trình, còn DN nếu đáp ứng đúng nhu cầu của người lao động lại “quá sức” chịu đựng trong lúc kinh tế khó khăn. Chính vì thế, mấu chốt của mọi cuộc tranh luận nảy lửa của các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia chỉ xoay quanh một nội dung duy nhất: Mức tăng! Các bên đều đưa ra các phương án dựa trên nguyên tắc đủ bù trượt giá, tăng theo năng suất lao động và đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Thế nhưng, con số đưa ra của mỗi bên lại khác nhau và chênh lệch khá lớn.

 

Năm  nay, hai mức đề xuất của đại diện hai bên khi đưa ra thảo luận vênh nhau khá lớn. Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gửi Hội đồng tiền lương Quốc gia có mức tăng từ 16-17% so với năm 2015, tăng từ 350.000 - 550.000 đồng/mức.

 

Trong khi đó, VCCI đề xuất tăng lương chỉ khoảng 7% (sau đó đã nâng lên mức 10%). Vùng 1 tăng lên 3,32 triệu đồng (tăng 7%), vùng 2 là 2,95 triệu đồng (tăng 7,2%), vùng 3 tăng lên 2,58 triệu đồng (tăng7,5 %), vùng 4 lên 2,3 triệu đồng (tăng 6,9%).

 

Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 12,4%, 11,4% và 10,7%.

 

Mỗi bên lại có lý lẽ riêng để phản biện cho đề xuất của mình. Cụ thể, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động cho rằng năm ngoái kinh tế khó khăn còn điều chỉnh tăng lương được bình quân 14,8% nên năm nay kinh tế khởi sắc cũng không thể điều chỉnh được thấp hơn năm ngoái quá nhiều. Phương án của Tổng Liên đoàn lao động thấp nhất phải tăng ít nhất bằng năm ngoái, tăng 400.000 đồng (tương đương 12,8%).

 

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng có cái khó riêng, bởi không phải cứ kinh tế khởi sắc, có tăng trưởng là đồng nghĩa với việc DN kinh doanh, sản xuất có lãi. Theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực đối với doanh nghiệp, chính sách đã thông thoáng nhưng để doanh nghiệp có thể tận hưởng được kết quả của các các chính sách này vẫn cần có độ trễ. Vì vậy, người lao động có thể hy vọng vào việc tăng lương nhưng có thể lộ trình chưa được như mong muốn. “chúng tôi cũng tính đến khả năng chi trả thực tế của doanh nghiệp đề để xuất tăng lương ở mức phù hợp”.

 

Về phía người lao động, nhiều người thấy bất an khi nói đến tăng lương. Bởi tăng lương có trên danh nghĩa nhưng thực tế lại không có nhiều ý nghĩa. Lương chưa tăng mà giá các mặt hàng thiết yếu đã rập rình tăng trước. Chính vì thế, nhiều người mong muốn có cách chính sách ổn định để khỏi phấp phỏng mỗi khi tăng lương. Chia sẻ rất đơn giản của các công nhân trong các KCN cho thấy, trứng là loại thực phẩm được nhiều công nhân ưa chuộng vì giá cả hợp lý, bổ dưỡng, dễ ăn nhưng mỗi lần rục rịch tăng lương thì giá bán mỗi quả trứng cũng nhích theo. Như vậy, phần lương tăng thêm không có nhiều ý nghĩa với họ.

 

Theo các chuyên gia, mức tăng lương tối thiểu hợp lý là mức tăng có thể góp phần cải thiện được đời sống của người lao động làm công ăn lương và tiến gần tới nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ nhằm tái sản xuất sức lao động, duy trì nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, mức tăng tiền lương tối thiểu như thế nào cũng phải theo nguyên tắc chi phí sản xuất của doanh nghiệp hợp lý để bảo đảm có khả năng tiêu thụ được sản phẩm và duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, có lợi nhuận cho nhà đầu tư.

 

Trong điều kiện hiện nay, kinh tế đang khởi sắc, lạm phát được kiềm chế, nhưng thị trường lao động thì chưa ổn định và phát triển mạnh. Do vậy, để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, mức tăng lương tối thiểu theo vùng khoảng 10% đến 12% là hợp lý và cơ bản phù hợp với nguyện vọng của các bên.

 

Cuộc “giằng co” về mức tăng lương tối thiểu vùng sẽ kéo dài nếu “không bên nào chịu bên nào” và cuối cùng phần quyết định sẽ đẩy về Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia. Nhưng nếu như vậy, sẽ khó có tiếng nói đồng thuận, vì thế để có tiếng nói chung thì đại diện cả hai bên phải có sự chia sẻ lẫn nhau trên cơ sở xem xét thấu đáo cả ba yếu tố quyết định mức lương tối thiểu./.