Tuổi trẻ Thái Nguyên thi đua sáng tạo

10:21, 21/08/2015

Những năm qua, cùng với thanh niên cả nước, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tỉnh Thái Nguyên luôn ra sức thi đua, nhiệt tình hưởng ứng phong trào “Sáng tạo trẻ” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động. Phong trào đã góp phần phát huy vai trò xung kích, tính chủ động, sáng tạo của tuổi trẻ toàn tỉnh. Từ đó xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên với những sáng kiến đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho gia đình, xã hội.

Với phương châm “Mỗi ĐVTN là một ý tưởng sáng tạo, mỗi chi đoàn là một hộp thư sáng kiến, mỗi cơ sở Đoàn là một vườn ươm sáng tạo”, phong trào “Sáng tạo trẻ” được cụ thể hóa và triển khai thực hiện rộng rãi trong thanh niên công nhân, viên chức, thanh niên trường học. Từ đó đã khuyến khích, phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo của ĐVTN, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác và lao động. Từ những định hướng của Tỉnh đoàn, phong trào “Sáng tạo trẻ” được các cơ sở Đoàn nhiệt tình hưởng ứng, thu hút hàng ngàn lượt ĐVTN tham gia. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có trên 230 công trình, đề tài, ý tưởng, sản phẩm sáng tạo được tuyên dương cấp tỉnh với giá trị làm lợi khoảng 20 tỷ đồng. Nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Anh Đặng Kim Dũng, Bí thư Đoàn Thanh niên Nhà máy Cán thép Thái Nguyên (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) là một trong những “hạt nhân” sáng tạo của Nhà máy nói riêng và tấm gương điển hình trong phong trào “Sáng tạo trẻ” nói chung. Anh luôn tìm tòi, học hỏi và nỗ lực sáng tạo, từ năm 2012 đến nay, đã có 2 đề tài của anh được nhận giải “Sáng tạo trẻ” của Tỉnh đoàn trao tặng (1 giải Nhì và 1 giải Ba), đó là các đề tài: “Tính toán thiết kế trạm nguồn cho hệ thống bôi trơn dầu khí Block tại Nhà máy Cán thép Thái Nguyên” và “Thiết kế hệ thống làm mát và bôi trơn con lăn để cán phôi nóng tại Nhà máy Cán thép Thái Nguyên”. Các đề tài đã được áp dụng vào thực tế, có giá trị làm lợi cho Nhà máy gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh các đề tài nghiên cứu, anh còn có hơn 20 sáng kiến tiết kiệm mang lại giá trị làm lợi cho Nhà máy hàng trăm triệu đồng. Nhằm hỗ trợ những sáng kiến của ĐVTN, với vai trò là Bí thư Đoàn, anh còn duy trì và đẩy mạnh vai trò của tổ “Hỗ trợ sáng kiến tiết kiệm” (do Đoàn Thanh niên Nhà máy thành lập). Theo đó, anh luôn chỉ đạo tổ bám sát tình hình sản xuất thực tế, tiếp thu các đề xuất sáng kiến cải tiến khoa học, kỹ thuật của ĐVTN, từ đó hỗ trợ về vốn và nhân lực cho ĐVTN Nhà máy.

 

Ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất của ngành Tự động hóa Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, Nguyễn Huy Hưng (sinh năm 1987, xóm Trại, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình) đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế, các chương trình khởi sự doanh nghiệp do Đoàn Thanh niên Nhà trường phối hợp tổ chức. Sau một thời gian dài tìm hiểu, anh nhận thấy việc cung cấp nguyên liệu chất đốt trong cuộc sống hằng ngày phục vụ cho việc nấu nướng hay cho các ngành, nghề sản xuất hàng hóa ngày càng lớn, có tính lâu dài và có thể phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, từ đó anh luôn ấp ủ mong muốn thực hiện ý tưởng của mình.

 

Tốt nghiệp ra trường, chàng kỹ sư trẻ bắt tay vào thực hiện ý tưởng tổ chức sản xuất, kinh doanh với tên gọi “Cơ sở sản xuất bếp, viên nén mùn cưa và gia công cơ khí” ngay tại địa phương. Mặc dù bước đầu gặp nhiều khó khăn nhưng với sự đam mê, ham học hỏi và không ngừng sáng tạo, anh đã sáng chế ra những chiếc máy nghiền, máy sấy, máy ép mùn cưa, bếp đun chuyên dụng… có giá thành rẻ phù hợp với nhu cầu, mục đích sử dụng nên được người dân ưa chuộng. Đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã cho thu nhập bình quân hơn 80 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động là ĐVTN của địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn giới thiệu cách phát triển này tới nhiều ĐVTN trong khu vực. Từ tháng 11-2013 đến tháng 8-2014, anh triển khai thực hiện Đề tài “Cung cấp miễn phí đầu đốt viên nén mùn cưa dành cho các làng nghề thủ công và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố Thái Nguyên và các huyện phía Nam tỉnh Thái Nguyên” nhằm cung cấp, lắp đặt và chuyển giao công nghệ miễn phí cho các hộ sản xuất. Đề tài này đã đạt giải Nhì “Sáng tạo trẻ” toàn tỉnh năm 2015.

 

Đặng Kim Dũng và Nguyễn Huy Hưng chỉ là những gương mặt tiêu biểu trong hàng trăm tấm gương ĐVTN nỗ lực, say mê nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Dù ở bất kỳ môi trường, lĩnh vực nào thì với lòng nhiệt huyết, không ngừng học hỏi và nỗ lực sáng tạo đã giúp họ phát huy vai trò xung kích, khẳng định được vai trò của tuổi trẻ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những ý tưởng, công trình sáng tạo với ý nghĩa thiết thực, tuổi trẻ Thái Nguyên đã và đang góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng đẹp giàu. Thông qua phong trào “Sáng tạo trẻ” góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh, gắn bó mật thiết hơn với những nhu cầu thực tiễn của tuổi trẻ, giúp ĐVTN thêm gắn bó với công việc.