Trong khi không ít khoảnh rừng ở khu vực lòng hồ Núi Cốc bị khai thác trái phép thì ở vùng rừng xã ven hồ Tân Thái, huyện Đại Từ, vẫn xanh ngút ngàn, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường cảnh quan ở vùng du lịch nổi tiếng nhất tỉnh Thái Nguyên. Người trực tiếp trồng, quản lý và bảo vệ hơn 40 ha rừng cảnh quan, có giá trị tới vài tỷ đồng ở thời điểm này là anh Trần Hữu Phúc, trú tại xóm Gốc Mít, xã Tân Thái.
Dẫn chúng tôi thăm rừng, ông Phúc cho biết: Ông vốn quê ở Tiên Lữ (Hưng Yên), theo cha mẹ lên vùng "rừng thiêng, nước độc" này khai hoang từ năm 1960. Ban đầu ông đến với rừng cũng chỉ vì quá nghèo, chưa biết làm gì để kiếm sống nên trồng rừng cho Nhà nước để lấy tiền đong gạo.
Năm 1990, ông Phúc bắt đầu nhận khoán trồng rừng. Ông tâm sự: Nhà nghèo, con lại đông nên tôi nhận trồng rừng để có đất trồng thêm ngô, sắn chống đói. Chăm chỉ, cần mẫn và được sự hướng dẫn của cán bộ xã, huyện, sau nhiều năm những vạt rừng của gia đình ông nhận khoán cũng thành hình, trên cao là bạch đàn, keo, dưới mép nước là chè... Bên cạnh đó, ông còn tận dụng được cành khô, cành gãy... làm củi cho gia đình. Kỳ bạch đàn đầu tiên được khai thác, ông và gia đình cũng thu được khoản lớn để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, đầu tư thêm giống trồng rừng ở những khu đất bỏ hoang. Đến nay, ông đã trồng được 40 ha rừng.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc cho biết: “Hầu như toàn bộ rừng ven hồ Núi Cốc thuộc xã Tân Thái là của gia đình ông Trần Hữu Phúc được giao quản lý, bảo vệ, trong đó có 11 quả đồi trong lòng hồ. Hiện chúng tôi đang triển khai thực hiện phương án quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc bền vững có sự tham gia của người dân giai đoạn 2014 - 2020. Ban Quản lý cũng chú trọng lồng ghép các nội dung đầu tư bảo vệ và phát triển rừng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án khác để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn khu rừng nhằm đảm bảo quyền lợi, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ mô hình quản lý, bảo vệ, phát triển vốn rừng bền vững hiệu quả như gia đình anh Phúc, Ban Quản lý rừng phòng hộ bảo vệ môi trường hồ Núi Cốc đang nhân rộng mô hình trong khu vực được giao quản lý, bảo vệ...”.
Anh Phúc cho biết: “Với phương án quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc bền vững của Chi cục Kiểm lâm đã phê duyệt, tôi thấy yên tâm với quyền lợi được đảm bảo, được cấp giống cây bản địa và lợn rừng. Bước đầu triển khai đã có hiệu quả, riêng trám và lát tôi trồng được 5.000 cây trên diện tích 10 ha, tỷ lệ sống cao, đàn lợn rừng 8 con cũng cho sinh sản tốt. Đối với 30ha keo đến kỳ khai thác, tôi đang làm thủ tục xin chuyển đổi, tự bỏ vốn trồng cây lâu năm sau khi được cấp phép khai thác diện tích keo. Trên cơ sở "lấy rừng nuôi rừng", tôi dự định trên một số đảo sẽ trồng từng loại cây đặc sản như: Đảo mít, đảo nhãn, đảo trám, đảo sấu... Về lâu dài, Nhà nước cũng đã có chủ trương cho chúng tôi làm du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ”.
Chia tay anh, chúng tôi tin tưởng phương án đó sẽ sớm trở thành hiện thực, những đảo ngọc của tỷ phú rừng sẽ là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với du khách, làm phong phú thêm hệ sinh thái hồ Núi Cốc, tạo dựng những sản phẩm du lịch mới cho du khách khi về "Thủ đô gió ngàn" Thái Nguyên./.