Bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng mạnh, bệnh tay chân miệng vào mùa dịch

15:31, 14/09/2015

Trong những ngày qua, tình hình bệnh sốt xuất huyết ở Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu suy giảm do khu vực Nam bộ đang vào mùa mưa. Bên cạnh đó, bệnh tay chân miệng cũng được ghi nhận có sự gia tăng theo mùa.

Sáng 14/9, tại khoa Nhiễm – Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang tiếp nhận và điều trị nội trú cho hơn 90 ca bệnh tay chân miệng, bắt đầu có sự gia tăng so với tháng trước. Hầu hết các trường hợp nhập viện thường có triệu chứng bệnh nặng như bị sốc do sốt cao, nôn ói nhiều... Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện phải thở máy không nhiều và không có trường hợp bệnh nguy kịch. Tuy nhiên, hiện đang đầu mùa dịch, nếu ngành y tế và cộng đồng lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh này thì nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn.

 

Còn tại khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi Đồng 1, những ngày đầu tháng 9, trung bình mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận trên 100 trường hợp điều trị nội trú, trong đó có trường hợp nặng đến mức bị trụy tim mạch, suy hô hấp, có dấu hiệu thiếu máu và xuất huyết tiêu hóa.

 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 13/9, toàn thành phố có 8.739 ca sốt xuất huyết nhập viện, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng trong tuần vừa qua, toàn thành phố đã có 571 trường hợp sốt xuất huyết nhập viện, tăng 32% so với trung bình 4 tuần trước. Bệnh sốt xuất huyết được ghi nhận có ca bệnh trong 4 tuần liên tiếp ở 82 phường, xã, tập trung ở các quận, huyện như Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, quận 12. Hầu hết các ca bệnh tập trung trong những ổ dịch vừa và nhỏ.

 

Kết quả điều tra dịch tễ tại các ổ dịch đều phát hiện ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết trong những vật chứa nước thông thường như lu, phuy chứa nước sinh hoạt, bình bông, chén nước cúng, vật phế thải, máng nước uống của vật nuôi… Bên cạnh đó, những điểm nguy cơ tập trung như cơ sở tái chế vỏ xe, vựa phế liệu, vựa cây cảnh, những bãi đất trống bị người dân xung quanh bỏ các vật phế thải…

 

Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần vừa qua tại thành phố có 250 ca nhập viện, trung bình mỗi ngày có hơn 30 trường hợp nhập viện, tăng 55% so với số ca bệnh trung bình của 4 tuần gần nhất. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở quận 10, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn. Tính chung đến hết ngày 13/9, toàn thành phố có 4.815 trường hợp tay chân miệng nhập viện, thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm 2014. Nhìn chung từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh tay chân miệng khá ổn định, số ca nhập viện hàng tuần luôn duy trì ở mức thấp hơn năm 2014 cũng như thấp hơn so với trung bình 4 năm trước đó. Tuy nhiên từ đầu tháng 9 đến nay, số ca bệnh tay chân miệng nhập viện hàng tuần bắt đầu gia tăng theo mùa và đã vượt qua mức cùng kỳ 2014.

 

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng nhanh chóng, Sở Y tế thành phố đã tổ chức 5 đoàn kiểm tra tại các ổ dịch đang lưu hành bệnh như huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Gò Vấp, quận 12 và làm việc với UBND các quận, huyện này về công tác phòng chống dịch bệnh. Trước đó, ngành y tế thành phố đã triển khai các hoạt động giám sát phát hiện, ngăn chặn sự lây lan ca bệnh tay chân miệng, giám sát bệnh trong khu vực nhà trẻ - mẫu giáo; đồng thời triển khai việc vệ sinh khử khuẩn môi trường của các trường mầm non và nhóm trẻ trên địa bàn thành phố.

 

Hiện sốt xuất huyết và tay chân miệng là những bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin dự phòng. Do đó, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo mỗi gia đình cần chủ động thực hiện những biện pháp phòng bệnh. Cụ thể, đối với việc phòng bệnh sốt xuất huyết, dành 10 phút mỗi tuần để truy tìm và loại bỏ tất cả những vật có thể ứ đọng nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển, khuyến khích các gia đình sử dụng những biện pháp xua muỗi diệt muỗi trong nhà như bình xịt muỗi, nhang xua muỗi… để phòng tránh muỗi đốt.

 

Để phòng bệnh tay chân miệng, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng cho bản thân và cho trẻ em; đồng thời hàng tuần thực hiện vệ sinh đồ chơi, vật dụng và khu vực sinh hoạt của trẻ bằng xà phòng, chất tẩy rửa thông thường. Khi phát hiện trong nhà hoặc xung quanh có người bị bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm cần thông tin ngay cho trạm y tế nơi cư trú để kịp thời triển khai biện pháp ngăn chặn, tránh lây lan bệnh trong cộng đồng./.