Theo thống kê mới nhất của tỉnh Thái Nguyên, hiện nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp trên 139.000 người, trong đó riêng công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp tập trung vào khoảng 43.000 người.
Hiện nay, kể cả nhà ở do doanh nghiệp xây dựng và nhà ở tự phát trong dân cũng chỉ đáp ứng được khoảng hơn 50% nhu cầu thực tế. Việc nhiều người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp tập trung thiếu chỗ ở ổn định ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là khi Thái Nguyên đang trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư hàng đầu cả nước.
Qua khảo sát sơ bộ, hiện ngoài Công ty Samsung Việt Nam Thái Nguyên (Khu công nghiệp Yên Bình) tự lo được khoảng hơn 20.000 chỗ ở, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG - doanh nghiệp may mặc lớn nhất tỉnh tự lo được trên 2.000 chỗ ở cho công nhân..., thì hầu hết tại các doanh nghiệp khác, công nhân phải tự lo chỗ ở, chủ yếu là thuê trọ trong các khu dân cư.
Gần đây, các nhà đầu tư sử dụng lao động lớn trên địa bàn rất nỗ lực đầu tư giải quyết chỗ ở cho công nhân, như: Công ty Samsung Việt Nam Thái Nguyên tiếp tục triển khai thêm 8 tòa nhà ký túc xá, nâng số chỗ ở tại chỗ cho trên 25.500 lao động; Công ty TNHH Glonics Việt Nam cũng đã lập dự án xây dựng 6 khối nhà 6 tầng với tổng số 480 căn, giải quyết chỗ ở cho 2.900 lao động; Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Yên Bình, nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Yên Bình (nơi Công ty Samsung Việt Nam Thái Nguyên đứng chân) cũng đang tiến hành xây mới 16 khối nhà 9 tầng với tổng số gần 8.000 căn, phục vụ chỗ ở ổn định cho khoảng 28.000 công nhân trong Khu công nghiệp.
Ngoài ra, UBND Thành phố Thái Nguyên đã xây dựng Dự án hạ tầng khu dân cư đồng bộ và nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp tại phường Tích Lương gồm 2 khu chung cư, tổng số 450 căn, giải quyết chỗ ở cho 1.800 người và khu nhà thấp tầng khoảng 1.124 lô đất đáp ứng cho khoảng 6.000 người..., song mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu của người có thu nhập thấp, lao động trong các khu công nghiệp. Hiện nay, còn một số doanh nghiệp khác đang xin đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội tại Thái Nguyên, như: Công ty cổ phân Tập đoàn Tiến Bộ, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Hồng Long, Công ty TNHH Hồng Ngọc Việt, Công ty cổ phần Đại Nam... nhưng các dự án của doanh nghiệp vẫn chưa chính thức triển khai ngoài thực địa.
Theo một số doanh nghiệp, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án về nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhất là việc tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, trong khi đó việc thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội rất chậm, nguồn vốn đầu tư lớn...
Để giải quyết những vấn đề này, trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Xây dựng, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân của tỉnh được tiếp cận vay các nguồn vốn của Trung ương để thực hiện các dự án; có cơ chế hỗ trợ tỉnh tiếp tục di dời, tái định cư và sửa chữa các khu chung cư đã xuống cấp, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp đang phải cư ngụ tại 28 khu chung cư cũ, xuống cấp tại thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công./.