Cảnh báo sau vụ sập tòa nhà cổ ở Hà Nội

14:59, 23/09/2015

Mấy ngày nay, người dân Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ sập nhà cổ thời Pháp 107 Trần Hưng Đạo chiều 22-9 vừa qua. Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo di dời ngay các hộ dân trong khu biệt thự ra nơi an toàn; khoanh vùng và hạn chế, cấm đi lại trong tầm ảnh hưởng của biệt thự, đồng thời tháo dỡ phần đổ vỡ, nhanh chóng kiểm định lại các kết cấu còn lại.

Nhà cổ là những ngôi nhà mang tính chất truyền thống đã có từ bao đời. Nó mang ý nghĩa văn hóa vô cùng to lớn chứ không chỉ là nơi để sống, để ở, để sinh hoạt. Mỗi ngôi nhà cổ đều có một câu chuyện, một kiến trúc khác nhau, đại diện cho nét văn hóa, lối sống, điều kiện sống của người dân, của chính cha ông ta vào thời bấy giờ. Nó thể hiện rõ nét nghệ thuật tổ chức không gian sống, nghệ thuật ứng xử với thiên nhiên của cha ông ta. Tuy nhiên, các ngôi nhà cổ được thống kê ngày một ít đi làm dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng. Ngôi nhà cổ 107 Trần Hưng Đạo bị sập cũng là một trong những minh chứng về việc chậm chễ trong khâu bảo tồn; sự khắc nghiệt của thời gian cũng như các yếu tố khác có thể đánh sập các ngôi nhà cổ bất cứ lúc nào.

 

Từng có khá nhiều ý kiến, tranh luận về nhà cổ ở Hà Nội trước khi xảy ra vụ sập nhà 107 Trần Hưng Đạo. Sau khi xảy ra sập nhà, nhiều tranh luận về vụ việc này tiếp tục bung ra, song chủ yếu xoay quanh những bất cập liên quan đến ngôi nhà đã có từ trước nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Theo những người dân ở khu phố Trần Hưng Đạo: Khu vực nhà 107 Trần Hưng Đạo được dự kiến là ga số 12, tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội (tuyến số 3) đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Có lẽ vì thế, tòa nhà mặc dù xuống cấp nhưng không được duy tu, bảo trì. Nhận định ban đầu, trước thời điểm ngôi nhà bị sụp trời mưa lâu ngày, do nhà quá cũ nên đã bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực dẫn đến sập mái và tường tầng 2. Dãy nhà cơi nới xung quanh không có móng, chỉ xây tạm bợ khiến tòa nhà càng bị nặng; một số người cho rằng có thể do tòa nhà cao tầng bên cạnh (tòa nhà Capitak Tower) xây cách đây khoảng 5-7 năm đào móng quá sâu đã tác động đến hạ tầng, gây nứt lún âm phần móng của tòa nhà cổ. Hiện, nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng tích cực làm rõ. Tuy nhiên, qua vụ việc trên, một lần nữa cho thấy công tác quản lý trật tự xây dựng của chính quyền sở tại còn buông lỏng, để người dân tự ý cơi nới bừa bãi, bất chấp những quy định về an toàn xây dựng dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

 

Trên địa bàn tỉnh ta, một số khu nhà tập thể, chung cư cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Có thể kể đến khu nhà chung cư 5 tầng sau Khách sạn Thái Nguyên đã quá cũ nát; khu chung cư ở phường Mỏ Chè, Thắng Lợi T.P Sông Công (gồm 14 tòa nhà được xây dựng từ những năm 70, theo báo cáo kết quả kiểm định của cơ quan chuyên môn đánh giá chất lượng công trình hiện tại đã hư hỏng nặng, thậm chí có tòa nhà đang ở tình trạng nguy hiểm cấp độ D (mức nguy hiểm cao nhất, có nguy cơ sập đổ, người dân cần phải di dời khẩn cấp)… Mặc dù tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt phải di dời dân ra khỏi những khu nhà đã xuống cấp, có cơ chế cho người dân cư trú hợp pháp ở các khu nhà này chuyển chỗ ở, song nhiều người dân vẫn chưa chịu di dời, một số người dân thiếu hiểu biết nên cho rằng nhà chung cư vẫn còn ở được; một số lại không chịu di rời bởi số tiễn hỗ trợ theo quy định chưa thỏa đáng, không đủ để họ làm nhà tại nơi tái định cư.

 

Từ sự việc sập nhà 107 Trần Hưng Đạo nêu trên cho thấy việc rà soát, kiểm tra và có phương án giải quyết dứt điểm di rời dân ra khỏi những khu nhà đã quá cũ nát trên địa bàn tỉnh là rất cấp thiết. Rất mong các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm, có kế hoạch bảo trì thường xuyên, kiểm tra đối với các công trình nhà ở đã quá lâu năm, đánh giá mức độ an toàn cho người sử dụng. Từ đó đưa ra những giải pháp hợp lý để khắc phục, tránh trường hợp người dân cố tình ở lại các khu nhà đã được đánh giá là không đảm bảo an toàn, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.

 

Khoảng 13 giờ ngày 22-9, tòa nhà cổ 2 tầng có cả trăm năm tuổi ở 107 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm bất ngờ đổ sập. Tòa nhà này đang là trụ sở Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 1 (Tổng công ty Đường sắt). Tòa nhà bị sập được xây từ năm 1905, đã qua sửa chữa tu tạo từ những năm 90. Tòa nhà gồm khối 1 mặt tiền có 2 tầng; khối 2 là hội trường được xây kiểu hình mái vòm, độ cao tương đương 3 tầng, diện tích khoảng 300m2, hai bên có hành lang lửng bố trí nơi làm việc của cán bộ, nhân viên; khối 3 nằm ở phía trong có 2 tầng.