Đa dạng hóa các sản phẩm tránh thai nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý

17:01, 18/09/2015

Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, tuy nhiên, mức sinh còn biến động khó lường. Để thực hiện mục tiêu “Duy trì mức sinh thấp hợp lý”, dự báo giai đoạn 2016-2020, nhu cầu về số lượng sản phẩm phương tiện tránh thai sẽ tiếp tục gia tăng.

Do vậy, việc đa dạng hóa các sản phẩm phương tiện tránh thai về chủng loại, hình thức và chất lượng; đồng thời, bảo đảm cho mọi khách hàng tiếp cận bình đẳng với sản phẩm là đòi hỏi và yêu cầu của một chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình phát triển bền vững.

 

*Thị trường tự do chưa đáp ứng nhu cầu

 

Bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu nhân khẩu học và quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đặt ra nhu cầu ngày càng tăng về hàng hóa và dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, số liệu từ báo cáo Điều tra Đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (2014) cho thấy, nhu cầu về các biện pháp tránh thai chưa được đáp ứng ở phụ nữ trẻ đã lập gia đình hoặc sống chung với bạn tình cao hơn nhiều so với phụ nữ lớn tuổi hơn. Ví dụ, nhu cầu về các biện pháp tránh thai chưa được đáp ứng ở trẻ em độ tuổi 15-19 xấp xỉ 11%, trong khi ở phụ nữ độ tuổi 25-34 là khoảng 6%.

 

Bà Ristu Nacken cũng cho biết: Trong những năm gần đây, nguồn tài trợ quốc tế và trợ cấp nhà nước cho các chương trình và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam giảm đáng kể. Do vậy, thị trường tự do trong nước cung cấp các mặt hàng chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Tuy nhiên, cần có một chính sách quốc gia toàn diện về sản xuất, mua bán, nhập khẩu và phân phối hàng hóa sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình nhằm đảm bảo cho các mặt hàng này đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và nhu cầu thực tế của người dân. Theo một nghiên cứu tiến hành năm 2014, chất lượng bao cao su trên thị trường tự do cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa.

 

Đánh giá về thực trạng cung ứng sản phẩm phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản tại Việt Nam hiện nay, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Hồ Chí Hùng cho biết: Thị trường này còn chưa phát triển chủ yếu là do việc cung cấp miễn phí các sản phẩm đã trải qua thời gian rất dài (hơn 50 năm) và tâm lý bao cấp đã ăn sâu trong tâm trí của người dân. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ động cung cấp sản phẩm phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản trên thị trường thương mại. Vì vậy, trên thị trường tự do hiện có không ít những loại phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được đăng ký quản lý chất lượng và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

 

Cùng chung nhận định trên, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng Đại diện Tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam – tổ chức quốc tế đã có hơn 25 năm cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam chia sẻ: Cơ chế quản lý của Việt Nam hiện chưa tạo điều kiện để các sản phẩm phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe sinh sản được đưa vào thị trường; các đơn vị sản xuất, kinh doanh thường gặp khó khăn khi đưa ra các sản phẩm mới. Do đó, ảnh hưởng đến việc đa dạng hóa các sản phẩm tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản trên thị trường Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Thị Bích Hằng cũng nhấn mạnh: Yếu tố đa dạng và chất lượng của sản phẩm là cần thiết nhưng chưa phải là đủ, một trong những vấn đề khác cần được quan tâm hiện nay đó là chất lượng cung ứng dịch vụ. Những dịch vụ căn bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình cần phải được cung cấp ngay tại các cơ sở y tế địa phương, mà gần với người dân nhất đó là trạm y tế xã, phường.

 

* Cần có chính sách hỗ trợ để phát triển sản phẩm chất lượng

 

Theo bà Ritsu Nacken, để thúc đẩy sản xuất các mặt hàng sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình chất lượng cao và đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, trước hết, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo chất lượng hàng hóa chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chúng ta cần khuyến khích phát triển các sản phẩm sức khỏe sinh sản có đăng ký và có chứng nhận GMP hoặc ISO, đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm định của Tổ chức Y tế thế giới đối với hàng hóa sức khỏe sinh sản. Nhà nhập khẩu và nhà sản xuất hàng hóa sức khỏe sinh sản trong nước cần phải đăng ký sản phẩm với nhà nước và có hồ sơ chứng nhận chất lượng phù hợp.

 

Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc cũng khẳng định: cần tạo nhu cầu cho người dân được lựa chọn hàng hóa sức khỏe sinh sản kèm theo dịch vụ tư vấn. Ngoài ra, chú trọng đến tính phù hợp, nhu cầu và sở thích của người sử dụng, nếu không thì đầu tư cho việc cải thiện chất lượng sản phẩm có thể không có tác dụng lớn. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của các nhà cung cấp tư nhân bên cạnh các công ty nhà nước để nâng cao khả năng cung cấp các mặt hàng sức khỏe sinh sản và dịch vụ tư vấn. Các bằng chứng cho thấy, sự phối hợp giữa khu vực tư nhân với chính phủ và có sự hỗ trợ của các đối tác phát triển là cần thiết để đảm bảo tiếp cận phổ cập hàng hóa sức khỏe sinh sản/ kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai chất lượng. Bằng việc hợp tác chặt chẽ, chúng ta có thể đảm bảo hàng hóa sức khỏe sinh sản luôn có sẵn để mọi cá nhân có thể tiếp cận và sử dụng hàng hóa sức khỏe sinh sản có chất lượng theo lựa chọn và nhu cầu của mình. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền sinh sản của người dân.

 

Về phía cơ quan quản lý, ông Hồ Chí Hùng cho biết: Ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sẽ đẩy mạnh cung cấp thông tin và định hướng cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng các sản phẩm, tạo tiền đề phát triển thị trường cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, kêu gọi, vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tiếp cận, tham gia đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân.

 

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm giúp người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thêm kiến thức, tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản có chất lượng và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng./.