Đánh giá Mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng

15:30, 29/09/2015

Từ tháng 11-2014 đến 9-2015, Cục Bảo trợ Xã hội (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Sức khoẻ gia đình quốc tế (FHI 360) đã phối hợp với sở Lao động - Thương binh và Xã hội 2 tỉnh Quảng Ninh và Thái Nguyên triển khai Dự án thí điểm mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng. Sau gần 1 năm triển khai, ngày 29-9, tại Thái Nguyên, Cục Bảo trợ xã hội và Tổ chức FHI 360 đã tổ chức Hội thảo tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai Dự án.

Mô hình thí điểm chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng được thực hiện nhằm 3 mục tiêu: Lồng ghép dịch vụ sức khoẻ tâm thần với hệ thống dịch vụ xã hội tại cộng đồng; thiết lập một hệ thống chuyển gửi, trao đổi thông tin giữa dịch vụ xã hội (ngành lao động - thương binh và xã hội) và dịch vụ sức khoẻ tâm thần (ngành y tế); truyền thông giáo dục về chống kỳ thị đối với người bệnh trầm cảm tại khu phố. Dự án được thực hiện tại 8 xã, phường của 2 tỉnh Quảng Ninh và Thái Nguyên với các hoạt động chính như: Tuyên truyền tại cộng đồng; sàng lọc; giáo dục tâm lý và phân loại đối tượng; can thiệp và quản lý bệnh nhân… Đối với tỉnh Thái Nguyên, Dự án được triển khai tại các xã, phường: Đồng Bẩm, Cam Giá, Trung Thành, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên).

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao hiệu quả của Dự án trong sàng lọc, phát hiện sớm, tư vấn, hỗ trợ và điều trị cho người bệnh trầm cảm tại cộng đồng. Thông qua các hoạt động của Dự án, nhiều người đã được phát hiện và điều trị bệnh trầm cảm kịp thời và ổn định cuộc sống. Để tiếp tục thực hiện và nhân rộng Dự án trong thời gian tới, các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai, trao đổi chuyên môn về các hoạt động can thiệp của Dự án, hướng tới mục tiêu trong 5 năm tiếp theo, 100% người có bệnh trầm cảm ở Việt Nam đều được điều trị kịp thời.