Những năm gần đây, mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Bình tích cực triển khai, nhân rộng ở tất cả 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đây là một trong những “sáng kiến” được cụ thể hóa từ Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động nhằm góp phần xây dựng đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp và giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn.
Xã Tân Khánh là xã vùng sâu vùng xa của huyện Phú Bình nhưng lại là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng mô hình “Đoạn đường Phụ nữ tự quản”. Chúng tôi đến đây để tìm hiểu về cách làm mà Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Khánh đã thực hiện và ghi nhận những hiệu quả thiết thực mà mô hình này đem lại. Chị Tạ Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Cuối năm 2014, chúng tôi bắt đầu triển khai mô hình đến các chi hội phụ nữ xóm, để các chị em hiểu được ý nghĩa của việc làm này việc tuyên truyền được chúng tôi ưu tiên số một. Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với Trưởng các chi hội tổ chức nhiều buổi nói chuyện với các hội viên, đồng thời lên kế hoạch cụ thể về cách làm sao cho phù hợp với điều kiện ở từng xóm. Nhờ vậy, hầu hết các hội viên phụ nữ đều đồng tình ủng hộ và rất hăng hái tham gia. Chỉ sau gần 1 năm triển khai, toàn xã có 25 xóm thì có 22 xóm đã xây dựng được “Đoạn đường phụ nữ tự quản” có gắn biển. Định kỳ mỗi tháng 1-2 lần, các chi hội sẽ tập trung hội viên để thực hiện tổng vệ sinh, quét dọn đường làng, ngõ xóm và khơi thông cống rãnh. Việc làm này không chỉ nâng cao ý thức của mỗi người dân, giúp cho môi trường nông thôn được giữ gìn sạch đẹp mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.
Cũng là địa phương thu được nhiều kết quả tích cực từ mô hình trên, đến nay xã Thanh Ninh đã không còn hình ảnh những bãi rác tự phát xuất hiện ở ven đường hay các chân cầu trên địa bàn xã như trước kia. Chị Nguyễn Thị Dện, là hội viên phụ nữ thuộc chi hội xóm Đồng Trong cho biết: Trước đây, việc giữ gìn vệ sinh môi trường trên nhiều tuyến đường liên xóm, nội xóm còn hạn chế, tình trạng người dân vứt rác thải ra đường thường xuyên diễn ra nhưng từ khi mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” được thực hiện thì ý thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Ngoài việc tập trung vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhiều hội viên phụ nữ còn xây dựng các bể chứa rác thải tại gia đình nhằm thu gom và phân loại rác từ nguồn để tự tiêu hủy, do đó các bãi rác tự phát trước đây hầu như đã được dọn dẹp sạch sẽ, môi trường sống trở nên trong lành hơn. Với những hiệu quả thiết thực này, tôi mong muốn mô hình tiếp tục được nhân rộng trên toàn huyện để có thêm nhiều tuyến đường sạch đẹp, khang trang.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Bình hiện có 318 chi hội với trên 3.300 hội viên. Mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” được Hội triển khai thực hiện từ đầu năm 2014, đến nay, các chi hội đã xây dựng được gần 120 tuyến đường phụ nữ tự quản với hàng nghìn hội viên tham gia hưởng ứng.
Bà Nông Thị Tít, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Bình cho biết: Để mô hình xây dựng “Đoạn đường phụ nữ tự quản” có sức lan tỏa sâu rộng đến cả những xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã triển khai các cấp hội phụ nữ ở 21 xã, thị trấn xây dựng quy chế hoạt động, gắn với các phần việc của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, hội viên phụ nữ là hạt nhân tiên phong gương mẫu để tuyên truyền, động viên gia đình và mọi người cùng thực hiện. Nhờ vậy, đã có nhiều chi hội thuộc vùng khó khăn, đường sá đi lại vất vả nhưng vẫn nhiệt tình tham gia bằng các việc làm thiết thực như: Mở rộng đường; san lấp ổ gà; phát quang bụi rậm, cây cối ở những đoạn đường khuất tầm nhìn… Những địa phương xây dựng được nhiều “Đoạn đường phụ nữ tự quản” có thể kể đến: Tân Khánh, Bàn Đạt, Nhã Lộng, thị trấn Hương Sơn… Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, động viên các chi hội nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa đối với những đoạn đường đã được xây dựng, gắn biển. Đồng thời, hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động, khuyến khích các chi hội chưa có “Đoạn đường phụ nữ tự quản” tích cực tham gia vào mô hình này. Đây cũng là việc làm thiết thực của chị em phụ nữ trong huyện với mong muốn được cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.