Được xem là tỉnh có tệ nạn ma túy diễn biến khá phức tạp với số người nghiện lên đến trên 5.000 người, Thái Nguyên đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng thông qua triển khai Đề án Tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2015. Thực tế cho thấy, sau 3 năm triển khai Đề án, Thái Nguyên đã từng bước ngăn chặn sự gia tăng của tệ nạn ma tuý, góp phần bảo đảm trật tự an toàn, xã hội ở địa phương.
Hiện nay, anh Ngô Doãn Trung, xóm Vải, xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) là trong những người đã cai nghiện thành công nhờ sử dụng thuốc Cedemex. Anh chia sẻ: Trước khi sử dụng thuốc Cedemex, tôi đã cai nghiện bằng rất nhiều biện pháp những không thành công. Bây giờ thì tôi không còn lo mình tái nghiện ma túy nữa. Sử dụng thuốc Cedemex, tôi thấy mình tỉnh táo và làm việc hiệu quả.
Đây là một trong những kết quả khả quan khi tỉnh ta thực hiện thí điểm Đề án dùng thuốc Cedemex trong hỗ trợ cắt cơn, điều trị nghiện ma túy nhóm Opiates – một trong những nội dung của Đề án Tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, thực hiện Đề án, công tác cai nghiện phục hồi đã được các ngành chức năng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh tích cực chỉ đạo thực hiện; phát huy hiệu quả, tạo được niềm tin cho gia đình và bản thân người được cai nghiện. Việc điều trị giảm tác hại bằng phương pháp điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone bước đầu đã đạt được những hiệu quả nhất định.
Một trong những hiệu quả tích cực nữa là từ thực hiện Đề án này, công tác cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai nghiện và nghiên cứu đưa vào sử dụng thuốc và phương pháp điều trị mới trong hoạt động cai nghiện phục hồi được quan tâm. Năm 2013-2014, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 2.669/2.500 lượt người, đạt 107% kế hoạch đề đề ra; 6 tháng đầu năm 2015, tổ chức cai nghiện ma túy cho 386/1.000 người, đạt 38,6%. Tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng nhiều giải pháp, hình thức cai nghiện, quản lý sau cai và điều trị giảm tác hại cho người nghiện. Đặc biệt là việc triển khai thí điểm.
Ngoài ra, thực hiện Đề án, công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy được triển khai thực hiện quyết liệt và đồng bộ; lực lượng nòng cốt và xung kích tham gia PCMT được tăng cường; lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm về ma tuý đã tập trung làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn nguồn ma tuý từ các tỉnh, thành phố khác vào địa phương; phát hiện bóc gỡ được nhiều đường dây vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy số lượng lớn; triệt phá nhiều điểm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm về tội phạm và tệ nạn ma túy (từ năm 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2015, bình quân mỗi năm bắt giữ trên 300 vụ phạm tội về ma túy; thu giữ được trên 121 nghìn gam Hêrôin. Đông thời tập trung giải quyết dứt điểm các điểm, tụ điểm ma túy phức tạp, nổi cộm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh không còn tụ điểm phức tạp, nhức nhối như giai đoạn trước năm2012. Theo đó, công tác kiểm soát, quản lý các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần được thực hiện chặt chẽ; không để xảy ra việc lợi dụng sản xuất ma túy bất hợp pháp. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, tham gia phòng, chống ma túy được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng; công tác khen thưởng được quan tâm hướng về cơ sở, qua đó đã kịp thời động viên, khích lệ và từng bước tạo được phong trào quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy. Đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của từng gia đình trong quản lý con, em, bạn bè, người thân không để sa ngã trước sự cám dỗ của ma túy.
Theo nhận định của ông Triệu Địch Dũng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội T.P Thái Nguyên, từ việc triển khai thực hiện Đề án, công tác phòng, chống ma túy đã có tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn TTATXH trên địa bàn T.P Thái Nguyên nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh nói chung; từng bước thay đổi nhận thức của các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác PCMT; nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy do thiếu hiểu biết của người dân, giúp mọi người hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm của công dân đối với công tác PCMT.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai Đề án này trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác PCMT; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy phù hợp với tình hình hiện nay; hỗ trợ tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy; đẩy mạnh các biện pháp phối hợp tuyên truyền, giáo dục và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống ma túy...
Ngày 15-12-2012, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án Tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2015. Với kinh phí thực hiện trên 30,6 tỷ đồng, việc thực hiện Đề án đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, an sinh xã hội của địa phương. Giai đoạn 2013-2015, toàn tỉnh có 88 người nghiện ma túy sau cai được hỗ trợ kinh phí tìm việc làm, tự tạo việc làm theo quy định của Nhà nước.