Hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật từ hoạt động xét xử

15:00, 06/09/2015

Bên cạnh việc xét xử, áp dụng hình phạt cho đối tượng phạm tội cụ thể thì việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp xã hội qua hoạt động này là nhiệm vụ đặc thù và quan trọng của tòa án. Nhận thức rõ vấn đề này, những năm qua, Tòa án Nhân dân (TAND) 2 cấp của tỉnh luôn đề cao và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ cung cấp quy định, uốn nắn, định hướng hành vi và thái độ đúng đắn cho mỗi người dân trước pháp luật.

Căn cứ quy định của Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, ngay từ đầu mỗi năm, TAND tỉnh đều xây dựng chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nhiệm vụ chuyên môn trong công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả việc phổ biến, giáo dục, pháp luật thông qua hoạt động xét xử, TAND tỉnh có phương hướng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho thẩm phán, cán bộ công chức và đội ngũ hội thẩm nhân dân các cấp; làm tốt công tác hòa giải; đối thoại trong vụ án hành chính... Với đặc thù của Ngành, việc xét xử là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sinh động, hiệu quả và tác động tích cực đến nhiều người nhất (đặc biệt là các phiên tòa lưu động).

 

Qua quá trình dự, theo dõi nhiều phiên tòa xét xử của tòa án cấp tỉnh và cấp huyện, chúng tôi nhận thấy, phiên xét xử được chuẩn bị khá chu đáo từ hội trường, âm thanh, quạt mát đến ghế ngồi. Công tác an ninh được đảm bảo từ vòng ngoài đến vòng trong. Hoạt động xét xử diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tác phong, trang phục, lời nói của các thành viên trong hội đồng xét xử luôn chuẩn mực, nghiêm túc. Đặc biệt, trong quá trình xét hỏi, thẩm vấn và tranh tụng, bên cạnh việc làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, hội đồng xét xử luôn có những phân tích, giải thích về những quy định của pháp luật, cho bị cáo và những người theo dõi phiên tòa thấy được động cơ sai trái dẫn đến vi phạm pháp luật. Tương ứng với hành vi, mức độ nghiêm trọng của vụ việc là hình phạt thích đáng mà hội đồng xét xử tuyên phạt dành cho bị cáo.

 

Bên cạnh việc ra quyết định hình phạt cho bị cáo, điều quan trọng hơn đó là là kết thúc mỗi phiên tòa, người dân được chứng kiến, theo dõi hoạt động xét xử như “vỡ ra” thêm một điều gì đó có ích cho bản thân. Họ hiểu rõ hơn về mối nguy hại của từng vụ việc xảy ra do thiếu suy nghĩ, hiểu biết hay chỉ là xuất phát từ một phút nông nổi. Họ phần nào biết được thế nào là hành vi phạm tội và mức độ nghiêm trọng, cùng với đó là hình phạt nặng, nhẹ để rút ra bài học cho bản thân, tự răn đe mình và những người thân, trong gia đình, làng xóm.

 

Ông Đinh Xuân Ngà, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, thị trấn Chùa Hang cho hay: Các phiên tòa (nhất là các phiên tòa lưu động) luôn mang ý nghĩa giáo dục nhanh và hiệu quả bởi người dân được nghe, xem được diễn biến nội dung vụ việc, quá trình thẩm vấn, tranh luận, xét xử như thế nào, khung hình phạt áp dụng cho hành vi phạm tội ấy ra sao. Đặc biệt, đối với các hành vi mức độ phạm tội, tái phạm hay thành khẩn khai báo, khắc phục một phần hậu quả sẽ có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt như thế nào, người dân biết mà không tố giác tội phạm cũng là vi phạm pháp luật...

 

Để phiên tòa xét xử đảm bảo, chất lượng, công tác chuẩn bị tổ chức phiên toà luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán cũng như Hội đồng xét xử luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tra cứu pháp luật, các văn bản có liên quan trực tiếp đến vụ việc để có thể phân tích, giải thích một cách thấu đáo cho bị cáo cũng như người tham dự hiểu. Đặc biệt là đối với những phiên tòa xét xử lưu động. Về vấn đề này, đồng chí Lê Huy Bắc, Chánh Văn phòng TAND tỉnh cho biết: Trước khi tổ chức phiên tòa lưu động, Tòa án chủ động phối hợp với các cơ quan tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát) lựa chọn những vụ án có tính chất nổi cộm, điển hình, được nhiều người quan tâm như buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, giết người, cướp tài sản... sao để vừa nâng cao chất lượng xét xử vừa đem lại hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh đó, cán bộ tòa án trực tiếp đến địa phương làm việc để phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, phân công, chuẩn bị các điều kiện cần thiết như hội trường xét xử, hệ thống truyền thanh; gửi thông báo cho các tổ chức hội, đoàn thể, xóm, tổ dân phố; công tác đảm bảo an ninh...

 

Đồng chí Nguyễn Thị Lan Phương, Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh chia sẻ: Để xét xử tốt, đạt hiệu quả cao thì thẩm phán và các thành viên trong Hội đồng xét xử phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu vụ án từ khi bắt đầu khởi tố đến lúc xét xử. Với cương vị là một thẩm phán (thường là chủ tọa phiên tòa), tôi luôn chuẩn bị kế hoạch xét hỏi để đánh giá khách quan toàn diện, bám sát diễn biến vụ án chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, đặc biệt là khâu tranh tụng tại phiên tòa vì đây là khâu quan trọng giúp Hội đồng xét xử nhìn nhận đúng bản chất, sự thật vụ án để đưa ra phán quyết có căn cứ, đúng pháp luật, đảm bảo khách quan, công bằng, nghiêm minh vừa răn đe giáo dục vừa phòng, chống được tội phạm. Ở từng vụ án, tôi và Hội đồng xét xử luôn đưa ra những phân tích, giải thích áp với quy định của pháp luật để bị cáo và mọi người thấy được với hành vi, tính chất phạm tội sẽ áp dụng với khung hình phạt tương ứng để mọi người hiểu và thấy được tính khách quan, công tâm và sự nghiêm minh của pháp luật.

 

Thực tiễn cho thấy, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác xét xử của tòa án đã có tác dụng tích cực nâng cao nhận thức pháp luật trong cộng đồng dân cư, làm hạn chế các hành vi vi phạm, các tranh chấp và các loại tội phạm xảy ra trong cộng đồng. Có thể nói, thời gian qua, TAND các cấp của tỉnh đã thực hiện tốt và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ quan trọng này, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật.