Hướng tới những chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ

14:50, 29/09/2015

Ngày 29/9, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Các chiều cạnh giới của sự tách biệt xã hội: Hướng tới những chính sách toàn diện hơn đối với phụ nữ”, với sự tham gia của các chuyên gia Nepan, Singapore, Anh, Hàn Quốc, Ủy ban UNESCO, một số Ủy ban của Quốc hội, quỹ quốc tế tại Việt Nam, hội liên hiệp phụ nữ, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới Nguyễn Hữu Minh cho biết, xem xét các chiều cạnh giới trong nghiên cứu tách biệt xã hội là một xu hướng được các nhà nghiên cứu về giới quan tâm, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế. Đây là chiều cạnh có nội dung phong phú mang tính đa ngành và liên ngành trong phạm vi rộng lớn. Các nhà khoa học đã tập trung vào những vấn đề lý luận của sự tách biệt xã hội nhìn từ khía cạnh giới liên hệ với thực tiễn Việt Nam, sự tiếp cận các nguồn lực xã hội, vấn đề chăm sóc sức khỏe và an toàn của các nhóm tách biệt xã hội.

 

Bà Catherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng hiện nay tâm lý thích con trai đang khiến khoảng 1,5 triệu trẻ em gái không được sinh ra. Nam giới và con trai trên toàn thế giới đều phải chịu áp lực về kỳ vọng của xã hội. Với Việt Nam, có nhiều dân tộc và mỗi dân tộc đều có những niềm tin văn hóa khác nhau, cùng một đất nước nhưng lại có những quan niệm trái ngược nhau. Hầu hết các dân tộc đều đề cao ảnh hưởng của đàn ông, con trai. Nhưng lại có những dân tộc đề cao phụ nữ như chế độ mẫu hệ của dân tộc Ê-đê ở Tây Nguyên. Ngày nay các cơ hội tiếp cận giáo dục cho phụ nữ và trẻ em gái ngày càng nhiều hơn, sẽ tạo nhiều bước chuyển biến tốt về giảm tỷ lệ mù chữ, nâng cao tỷ lệ khám chữa bệnh, phát triển kinh tế gia đình...

 

Bà Catherine nhấn mạnh xã hội cần thay đổi ý thức hệ để thay đổi các khuôn mẫu không phù hợp thông qua đối thoại, chia sẻ kết quả nghiên cứu... Định kiến giới cần phải xóa bỏ ngay từ trong sách giáo khoa, giáo viên và phụ huynh. Một kênh thông tin quan trọng là truyền thông nên cần phối hợp tích cực với truyền thông để tạo sự thay đổi khác biệt trong xã hội cũng như thay đổi khuôn mẫu tuyên truyền trong giới truyền thông.

 

Các chuyên gia nước ngoài đã cung cấp nhiều phát hiện đáng chú ý và gợi ra những vấn đề cần quan tâm ở Việt Nam như tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của xã hội, các quy tắc văn hóa hình thành nên nhận thức của công chúng về phụ nữ đối với cuộc đấu tranh khắc phục sự tách biệt xã hội của họ. Việc xây dựng chiến lược phòng ngừa bệnh tật hiệu quả đối với những phụ nữ có điều kiện xã hội bất lợi có một ý nghĩa quan trọng, nhằm giúp họ hòa nhập tốt hơn vào xã hội.

 

Phát triển kinh tế và tăng cường giáo dục có thể giúp thay đổi năng lực học tập của trẻ em gái dân tộc thiểu số một cách đáng kể, giảm áp lực của các chuẩn mực cộng đồng xung quanh vấn đề tảo hôn và mang thai. Việc sinh con sớm khi phụ nữ còn ít được trao quyền trong giao đình, ít các mối quan hệ xã hội có thể làm cho nhiều phụ nữ Việt Nam có nguy cơ bị gạt ra khỏi sự phát triển con người và những thành tựu kinh tế - xã hội do quá trình đổi mới mang lại.

 

Các học giả trong nước đề xuất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và tạo nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ khuyết tật, dân tộc thiểu số, di cư, nông thôn tiếp cận với các nguồn lực phát triển. Cụ thể như nâng cao trình độ học vấn, tạo cơ hội việc làm, tăng cường công tác truyền thông nhằm hạn chế những ảnh hưởng của phong tục, tập quán không phù hợp, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý hướng tới phụ nữ các nhóm tách biệt xã hội nhiều hơn./.