Nên có hướng quản lý, khai thác hiệu quả di tích lịch sử cấp Quốc gia

14:30, 21/09/2015

Trung đội Cứu quốc quân II được thành lập ngày 15 -9- 1941 tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai). Đây là một trong những đơn vị tiền thân của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với những đóng góp to lớn của Trung đội Cứu quốc quân II trong kháng chiến ngày 12-12 -1994, Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 3211/QĐ-BT công nhận nơi thành lập đơn vị quân đội này là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Khu di tích lịch sử Trung đội Cứu quốc quân II có tổng diện tích 21ha và đã được Nhà nước đầu tư trên 9 tỉ đồng để xây dựng một số hạng mục công trình, như: Nhà chờ, 136 bậc lên xuống, chiếu nghỉ, tượng đài, nhà bia ghi danh các chiến sĩ… Đặc biệt là diện tích rừng Khuôn Mánh bao quanh khu di tích có thời gian đã bị chặt phá thì nay được chính quyền địa phương khoanh nuôi, bảo vệ. Được Nhà nước quan tâm đầu tư như vậy nhưng hiện nay khu di tích cấp Quốc gia này ít người đến thăm viếng nên rất vắng vẻ, cỏ cây dần mọc chen lấn lối đi. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết: Khu di tích chỉ cách trung tâm huyện khoảng 15km, cách T.P Thái Nguyên chưa đầy 60km nhưng hàng năm chỉ có cán bộ địa phương đến dâng hương nhân ngày lễ, Tết hoặc một vài cựu chiến binh ghé vào thăm khi thực hiện các chuyến hành trình về nguồn. Ít người đến thăm viếng nên khu di tích trở nên hoang sơ, vắng vẻ. Cùng với đó là việc quản lý, duy tu gặp khó khăn, các dịch vụ thiết yếu như điện, nước cho khu di tích cũng chưa được đầu tư.

 

Để giải quyết tình thế, chính quyền xã Tràng Xá đã vận động ông Hà Văn Oanh là người dân địa phương đảm nhận công việc bảo vệ khu di tích với mức hỗ trợ 1,05 triệu đồng/tháng (trước năm 2014 là 400 nghìn đồng/tháng). Số tiền hỗ trợ không đủ sinh hoạt tằn tiện nên ông Hà Văn Oanh thỉnh thoảng mới qua khu di tích quét dọn, nhổ cỏ, phát cây và kiểm tra các công trình để báo cáo với xã. Chính vì công tác quản lý, giữ gìn, quảng bá, giới thiệu, khai thác khu di tích Trung đội Cứu quốc quân II không được duy trì thường xuyên nên nơi này gần như bị lãng quên. Ông Hà Văn Oanh cho biết: Khu di tích nằm giữa rừng, phòng bảo vệ là nhà chờ của khu di tích tận dưới chân núi và không có điện, nước sinh hoạt, các công trình khác đã phần nào bị hư hỏng nên tôi không thể ở đây để thường trực trông coi. Tôi rất muốn tìm một khoảnh đất gần khu di tích thuê lại để làm kinh tế, kết hợp với trông coi khu di tích thì mới đảm bảo cuộc sống.

 

Mới đây, huyện Võ Nhai cũng đã yêu cầu cơ quan văn hoá, quân sự của huyện tham mưu hướng khắc phục những tồn tại nêu trên tại Khu di tích Trung đội Cứu quốc quân II, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp nào hữu hiệu. Thiếu tá Ân Trung Tuyến, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện Võ Nhai cho biết: UNBD huyện đã có quyết định chuyển giao khu di tích này từ Phòng Văn hoá cho đơn vị chúng tôi quản lý. Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ của Khu di tích Trung đội Cứu quốc quân II chưa tìm thấy nên chúng tôi chưa tiếp nhận. Khi đầy đủ hồ sơ, bàn giao khu di tích cho đơn vị chúng tôi quản lý cũng mong cấp trên quan tâm giúp đỡ về nguồn kinh phí thường xuyên và tăng thêm biên chế vì khu di tích rộng tới 21ha…

 

Dành quỹ đất rất lớn và bỏ ra nhiều tỷ đồng để đầu tư tôn tạo nhưng việc quản lý, khai thác Di tích lịch cấp Quốc gia Trung đội Cứu quốc quân II như hiện nay là chưa thoả đáng, xứng tầm. Nhất là việc tổ chức các đoàn cán bộ của lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước về đây thăm viếng để giáo dục truyền thống cách mạng nên được quan tâm, thực hiện thường xuyên.