Quyết tâm loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng

08:05, 23/09/2015

Ngày 22/9, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Cục quản lý môi trường (Bộ Y tế) và Mạng vận động cấm sử dụng amiăng tại Việt Nam (Vn-BAN) tổ chức hội thảo “Sự tham gia của các tổ chức xã hội đóng góp cho kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng”.

TS. Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, Amiăng là một hợp chất hoá học dạng sợi được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp và tiêu dùng. Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe con người. Amiăng gây ra các bệnh bụi phổi, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng... Amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp nguy hiểm nhất ước tính gây ra 50% số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người...

 

 Tại Việt Nam, ngành sản xuất tấm lợp fibrô- ximăng xuất hiện từ những năm 1966 – 1968, lúc đầu có 2 nhà máy, nhưng cho đến nay đã có 39 nhà máy sản xuất tấm lợp trong toàn quốc phân bố ở 23 tỉnh thành phố. Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới về tiêu thụ amiăng (trung bình 65.000 tấn/năm, trong đó năm 2012 là 78.000 tấn), đứng thứ 7 thế giới tính theo bình quân tiêu thụ đầu người (0.9kg/người/năm).

 

10 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành 1 trong 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất trên thế giới với lượng tiêu thụ trung bình mỗi năm khoảng 65 nghìn tấn amiăng trắng để sản xuất khoảng 90 triệu m2 tấm lợp fibrô-ximăng. Việt Nam đã biết những tác hại của Amiăng gây ung thư và đã cấm sử dụng Amiăng nâu và Amiăng xanh từ năm 2004. Tuy nhiên, amiăng trắng vẫn chưa bị cấm ở nước ta.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đều thống nhất cho rằng khoa học đã chứng minh tất cả các loại amiăng dù là xanh, nâu hay trắng đều gây ung thư cho con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ Y tế Việt Nam cũng đồng quan điểm này. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn 7307/VPCP-KGVX ngày 19/9/2014, giao các Bộ: Xây dựng, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm quản lý quốc tế và tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất và sử dụng amiăng trắng về môi trường làm việc; điều kiện an toàn, bảo hộ lao động; điều kiện và tiêu chí bệnh nghề nghiệp; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm (tiêu chuẩn về độ cứng vững, không giải phóng amiăng ra môi trường trong quá trình sử dụng); quy định về xử lý môi trường với các sản phẩm thải bỏ có chứa amiăng trắng là chất thải nguy hại. Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020. Còn Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng; tổ chức triển khai nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng lâu dài và xác định các biện pháp giảm thiểu tác động độc hại của amiăng trắng đối với sức khỏe và môi trường Việt Nam.

 

Tại hội thảo, TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) nhấn mạnh, amiăng là loại vật liệu độc hại không chỉ với người lao động trực tiếp mà còn với cả người dân sử dụng các sản phẩm có chứa amiăng. Ở Việt Nam, hiện nay, tấm lợp amiăng phần lớn cung cấp cho người dân có thu nhập thấp, hỗ trợ người nghèo, thiên tai bão lụt. Đây lại là những người dân cần được sử dụng các vật liệu an toàn. Bởi nếu sử dụng vật liệu có chứa amiăng, sức khỏe người dân về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiếp tục là nguyên nhân gây đói nghèo do ốm đau, bệnh tật…

 

Năm 2014, dư luận đã từng nóng lên về việc có dừng sử dụng amiăng trong sản xuất tấm lợp tại Việt Nam hay không. Tới nay, mọi việc đã ngã ngũ với định hướng của Chính phủ là phải thực hiện lộ trình thay thế, tiến tới ngừng hẳn sử dụng amiăng.

 

Theo kết quả bước đầu xây dựng hệ thống giám sát bệnh viện ở Việt Nam năm 2012 về "Đặc điểm bệnh liên quan đến amiăng trong các trường hợp nhập viện" cho thấy bệnh ung thư trung biểu mô màng phổi chiếm 10,3%, ung thư phổi 76,5%, ung thư phế quản phổi 12,3% và dày, dính màng phổi là 0,9%; 74,7% nam giới mắc các bệnh liên quan đến amiăng và tỷ lệ này ở nữ giới là 25,3%... Và để loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng thì cần ngừng sử dụng amiăng, cung cấp thông tin về sản phẩm thay thế an toàn hơn; xử lý chất thải amiăng. Đồng thời giám sát y tế, cải thiện chẩn đoán sớm, điều trị, phục hồi chức năng và bồi thường các bệnh liên quan đến amiăng; thiết lập cơ sở đăng ký cho những người đang hoặc có tiền sử tiếp xúc với amiăng./.