Sự "nhiễm khuẩn" trên mạng xã hội Facebook

17:25, 30/09/2015

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin là sự phát triển của mạng xã hội giúp con người kết nối với nhau tốt hơn, có thể chia sẻ với nhau nhiều điều hơn trong cuộc sống. Và Facebook là một trong số đó. Theo một nghiên cứu mới đây, hơn 70% người sử dụng Internet ở Việt Nam dùng Facebook. Đây có thể coi là một con số khổng lồ. Tuy nhiên, trong số những người sử dụng Facebook, có những người không biết cách khống chế bản thân, bị đắm chìm trong Facebook.

Facebook là một mạng xã hội cho phép chúng ta chia sẻ trạng thái, hình ảnh và tương tác với nhau rất dễ dàng. Bạn có thể kết nối Facebook mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng một chiếc điện thoại có kết nối mạng Internet. Chỉ bằng một cú click chuột, trong vài giây bạn có thể đăng nhập vào tài khoản, một thế giới hoàn toàn khác được mở ra. Chỉ có bạn ngồi đối diện với một thế giới ảo, trên đó có những con người có thể là bạn bè mình, thậm chí có những người mà mình chưa gặp bao giờ. Chính vì tiện lợi như vậy nên có rất nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên, thậm chí là cả những người lớn tuổi bị nghiện Facebook. Họ lên Facebook hàng ngày, hàng giờ, cập nhật mọi thứ của mình lên Facebook. Thậm chí, chỉ một thời gian ngắn không thể lên Facebook, họ đã cảm thấy khó chịu, bồn chồn.

 

Không thể không thừa nhận những mặt tích cực của mạng xã hội Facebook đem lại cho cuộc sống khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ từng ngày như: giao tiếp mới, cơ hội hợp tác, chia sẻ…. Nhưng không phải ai cũng biết sử dụng Facebook đúng cách. Bên cạnh những yếu tố tích cực đem lại, Facebook cũng có không ít những mặt hạn chế, tác động tới cuộc sống cũng như suy nghĩ của giới trẻ. Tình trạng dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội này khiến cho các bạn có rất ít, thậm chí là không còn thời gian cho việc học tập cũng như các công việc khác. Từ đó, nảy sinh ra việc các bạn sống trong thế giới ảo nhiều hơn là cuộc sống trong thực tại của mình.

 

Hiện nay, những biểu hiện tiêu cực thể hiện trên Facebook không còn là điều lạ lẫm. Với số người sử dụng Facebook thường xuyên đến 20 triệu người, nhiều kẻ đã lợi dụng mạng xã hội này để thực hiện những hành vi xấu. Bên cạnh dạng sơ sài là tin nhắn giả như Facebook trao thưởng, quà tặng, quảng cáo rác,… một trò khác đang trở lại là ứng dụng lừa đảo; khi ấn vào link sẽ vô tình like một trang bất kỳ, hoặc tự động tham gia một dịch vụ tính phí nào đó. Theo đó, một số “hot boy, hot girl" đứng ra làm trung gian dẫn link tới các website có hơi hướng “lá cải”, đăng tải các bài có nhan đề rất dễ gây hiểu lầm.

 

Chúng ta đều biết, cái gì thái quá cũng đều không tốt, và việc sử dụng Facebook cũng vậy. Say sưa Facebook quá sẽ khiến chúng ta mất rất nhiều thời gian. Học sinh bị nghiện Facebook lúc nào cũng chăm chăm dùng điện thoại và máy tính để vào Facebook mà không để ý đến học tập. Có em bị bố mẹ cấm đã trốn học ra quán điện tử để lên Facebook tán gẫu với bạn bè, hay thậm chí tán gẫu với những người mà chúng ta không hề biết gì ngoài tên họ dùng trên Facebook. Vì tốn rất nhiều thời gian lên mạng, việc học hành của các em sẽ sa sút dần; có khi lên Facebook quá nhiều dẫn đến ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến cho gia đình và thầy cô, bạn bè lo lắng; cá biệt, có em đã mắc bệnh trầm cảm.

 

Trong khi thông tin “rác” tràn ngập Facebook và phải mất hàng giờ để gỡ xuống một bức ảnh hay video sai lạc thì chỉ trong nháy mắt, kẻ gian có thể tạo tài khoản giả để đăng tải nội dung xấu. Quá nhiều thông tin “ảo” trên Facebook và mạng xã hội khác đã gây hệ lụy nghiêm trọng với xã hội. Các nhà khoa học thường nói, đây là sự “nhiễm khuẩn” trên mạng xã hội; và chống lại những người xuyên tạc sự thật cũng khó như chống dịch vậy. Những “kẻ” nhiễm bệnh là kiểu người ưa nhặt nhạnh tin tức vụn vặt không rõ nguồn, những câu chuyện truyền miệng, hay từ chính mạng xã hội rồi lây lan qua Twitter và Facebook.

 

Facebook cũng chính là một xã hội thu nhỏ. Facebook đang ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Nhưng không phải ai cũng biết sử dụng Facebook đúng cách. Ở đó cũng có rất nhiều người tốt, kẻ xấu; có rất nhiều những lời bình luận không có văn hóa, hay những hình ảnh không lành mạnh, các trang mang nội dung không tốt, kích động tinh thần và tư tưởng, nhất là lứa tuổi trẻ, học sinh, sinh viên, dễ bị kích động. Ảnh hưởng của “cư dân mạng” thông qua Facebook là rất lớn. Có rất nhiều bạn trẻ chỉ vô tình đăng ảnh lên Facebook, rồi bị lấy ảnh để “chế” với những lời lẽ không lịch sự khiến họ bị ảnh hưởng về tinh thần, sau đó sẽ dẫn đến những hậu quả đau lòng mà chúng ta không lường trước được.

 

Facebook đang ngày càng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta hãy trở thành người sử dụng Facebook thông thái, với một tinh thần vững vàng; làm sao để khai thác được các tiện ích phục vụ công việc, học tập, công tác; hạn chế đến mức tối đa những ảnh hưởng không tốt của Facebook.  

 

Theo tờ Tin tức Hơ-phing-tơn ngày 13-7-2015, Facebook đang xem xét cập nhật một số tính năng nhằm hạn chế loại thông tin sai lạc lây lan trên mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Cùng việc yêu cầu người sử dụng phải khai báo tên thật, hợp tác với một số tờ báo lớn để có nguồn tin độc quyền, chính xác, đầy đủ, dường như Facebook muốn hướng tới một mạng xã hội “sạch”, nhất là khi họ đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các tên tuổi mới xuất hiện trên Internet? Qua một số sự việc gần đây có vẻ như Facebook đang tính tới việc xóa các tiện ích từng làm nên sức hấp dẫn như: Tự do khai báo thông tin và danh tính cá nhân, thay đổi và chỉnh sửa ghi chú đường dẫn website, chia sẻ thông tin hàng loạt, phát ngôn, đăng tải hình ảnh, video bừa bãi, cơ chế tự quản lý giữa thành viên… Bởi chúng đang bị vô số Facebooker lợi dụng thực hiện hành vi xấu.