Tác hại của mạng xã hội đối với học sinh

09:35, 18/09/2015

Vào năm học mới 2015-2016 này, cháu Thu Thủy, học sinh lớp 8 một trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Thái Nguyên luôn có biểu hiện sợ đến trường. Để không phải đi học, cháu Thủy thường lấy lý do đau đầu, đau bụng, thậm chí còn cáu gắt mỗi khi bố mẹ quan tâm. Chị Thu Nga, mẹ cháu Thủy cho biết: Năm học mới chỉ bắt đầu, chưa có sức ép gì về bài vở, thi cử. Vả lại cháu nhà mình rất chăm ngoan, liên tục là học sinh giỏi, điểm số luôn nhất nhì trong lớp và cháu cũng được thầy cô giáo khen ngợi, bạn bè quý mến.

Để công tìm hiểu, chị mới biết cháu có thái độ như vậy xuất phát từ việc bị bạn cùng lớp đăng ảnh chế và những lời xúc phạm trên mạng xã hội. Bức ảnh lan truyền nhanh chóng với vô số những lời bình luận ác ý của nhiều học sinh trong và ngoài trường cộng với những lời bàn tán, chỉ trỏ mỗi khi cháu xuất hiện đã tác động không tốt đến tâm lý, khiến cháu chán ghét bạn bè và sợ đến trường.

 

Chị Nga vô cùng bức xúc vì em học sinh làm việc đó lại chính là một bạn gái rất thân thiết của con gái mình, được thầy cô và các bạn đánh giá là học giỏi và ngoan. Sau khi phát hiện ra sự việc, chị Nga đã nén giận, gặp riêng cháu gái, nhẹ nhàng nhắc nhở và chỉ ra tác hại của việc làm trên. Cháu gái cũng đã xin lỗi cháu Thủy và hứa khóa tài khoản trên mạng.

 

Xác nhận có tình trạng nói xấu bạn bè trên mạng xã hội, thầy Nguyễn Quang Huy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9a, Trường THCS Trưng Vương cho biết: Năm học trước, trong lớp tôi chủ nhiệm cũng có trường hợp học sinh ngoan, giỏi là em L. chế ảnh và nói xấu bạn H. cùng lớp đưa lên mạng xã hội, phụ huynh của em H. đã đến gặp giáo viên chủ nhiệm phản ánh. Có việc như vậy là do hành động thiếu ý thức xuất phát từ tính hiếu thắng của lứa tuổi học sinh khi bị thua kém bạn bè trong học tập. Qua việc này, Nhà trường cũng đã nghiêm khắc chấn chỉnh học sinh, tuyệt đối cấm các em nói xấu bạn bè và thầy, cô giáo trên mạng xã hội.

 

Với tiện ích và sự phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội đã trở nên rất thông dụng đối với giới trẻ, hầu hết học sinh lứa tuổi THCS ở khu vực đô thị của tỉnh đều có tài khoản, phổ biến hiện nay là  Facebook.

 

Em Nguyễn Quỳnh Anh, Trường THCS Chu Văn An cho biết các bạn trai lập nick facebook để chơi “Liên minh huyền thoại”, một game được yêu thích nhất hiện nay. Luật chơi quy định nếu người chơi mời thêm được bạn qua Facebook tham gia trò chơi thì sẽ được thưởng điểm, thưởng “đời” nên bạn nào lúc đầu chưa tham gia cũng bị nhiều bạn khác chèo kéo rồi ham mê, lại tiếp tục lôi kéo các bạn khác. Tương tự như vậy, các bạn nữ “kết” game “Candy”, cũng được thưởng điểm, thưởng “đời” khi mời thêm được nhiều người chơi.

 

Lướt qua các facebook của học sinh phổ thông, thấy rõ các em nam chủ yếu sử dụng để “chiến” game, còn các em nữ thì thêm ảnh “tự sướng” và ảnh các ca sĩ Hàn mà các em hâm mộ. Thực tế, không ít trường hợp tự đánh bóng bản thân, tự huyễn hoặc mình để được trở thành “hot boy”, “hot girl” trong mắt mọi người, hay lợi dụng mạng Facebook để “chém gió” về người khác, về gia đình, về trường lớp, về thầy cô, về bạn bè… với những ngôn từ thiếu văn hóa, thậm chí là xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác. Đáng báo động là một số trang của các em học sinh nữ khối trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đăng ảnh “khoe thân” để “câu like”. Tác dụng quan trọng của việc sử dụng công nghệ thông tin và sử dụng mạng xã hội, ứng dụng những tiện ích mà công nghệ mang lại, phục vụ cho cuộc sống học tập, giải trí, giao lưu,… được rất ít học sinh khai thác.

 

Trở lại với trường hợp của cháu Thủy, chị Nga cho rằng không biết liệu việc con chị bị bạn nói xấu trên mạng đã thực sự chấm dứt hay chưa, vì cháu kia sau khi bị nhắc nhở thì không để chế độ công cộng nữa nên chị không vào kiểm tra được, nhưng vẫn thấy bạn cùng lớp nói là cháu vẫn chia sẻ với nhóm bạn. Chị đã tính việc chuyển con học trường khác nếu nhà trường không thực sự nghiêm khắc xử lý hành vi này.

 

Thầy Nguyễn Quang Huy cũng thừa nhận rất khó quản lý học sinh trong việc sử dụng mạng xã hội vì với sự phát triển công nghệ hiện nay, bất cứ lúc nào các em cũng có thể vào mạng, không cần đến phòng học tin của Nhà trường mà chỉ cần điện thoại thông minh là có thể nối mạng. Chủ yếu vẫn dựa vào biện pháp tuyên truyền, giáo dục để các em tự có ý thức.

 

Được biết trong thời gian qua, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã có động thái nhắc nhở học sinh ý thức về những nguy cơ, ảnh hưởng xấu của việc sử dụng mạng xã hội nhưng việc này chưa tác động đủ mạnh. Trước thực trạng hiện nay, Ban giám hiệu các trường cần nghiêm khắc hơn trong việc quản lý học sinh qua việc đưa các điều cấm liên quan đến sử dụng mạng xã hội vào bảng nội quy của trường. Đồng thời, nhà trường cũng nên tăng cường tổ chức các hoạt động, các cuộc thi nhằm khuyến khích học sinh hướng vào khai thác các tiện ích của mạng xã hội để phục vụ học tập.