Thị trường trung thu: Vắng bóng đồ chơi truyền thống

08:15, 19/09/2015

Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Trung thu, thời điểm này, thị trường đồ chơi cho trẻ em đã bắt đầu sôi động. Nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh, đồ chơi trẻ em cũng đã được bày bán với rất nhiều chủng loại phong phú, đa dạng. Nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy một thực tế đáng buồn là hầu hết các mặt hàng đồ chơi vẫn có xuất xứ từ Trung Quốc; trong khi đó, đồ chơi truyền thống thì ngày càng vắng bóng...

Khoảng chục năm về trước, trẻ con, người lớn ai ai cũng háo hức chờ đón Tết Trung thu, không phải chỉ để thưởng thức những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon, mà còn là dịp để mọi người, mọi nhà được cùng nhau sống trong không khí vui nhộn của tiếng trống, những chiếc đèn ông sao lung linh trong đêm trăng rằm. Bây giờ, khi đời sống đã có phần khấm khá hơn, thị trường đồ chơi “nở rộ” với hàng trăm mẫu mã đa dạng, hấp dẫn thì những mặt hàng đồ chơi truyền thống ngày càng tỏ ra “lép vế”. Tuy có được cải thiện trong vài năm gần đây, nhưng hàng Trung Quốc vẫn tràn lan trên thị trường với giá thành rẻ, lại bắt mắt, đa dạng, nhằm đúng thị hiếu người tiêu dùng “nhí”.

 

Để tìm mua đồ chơi cho con em mình nhân dịp Tết Trung thu, nhiều bậc phụ huynh đã kỳ công đi khắp các cửa hàng để lựa chọn. Song, những đồ chơi dân gian, truyền thống như: Đèn ông sao, đèn kéo quân, trống cơm, tò he... hầu như không thấy xuất hiện. Một số chủ cửa hàng được hỏi đều trả lời cho qua chuyện như: Sát đến ngày rằm mới nhập để bán hoặc hẹn khách 2, 3 ngày nữa... Thậm chí có người trả lời ráo hoảnh "đồ chơi ấy bây giờ ai còn chơi mà bán?!" khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi chạnh lòng và lo ngại khi rất nhiều đồ chơi công nghệ cao đang đe dọa sự an toàn của trẻ.

 

Tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em, tìm mỏi mắt mới thấy một vài chiếc đèn ông sao đứng khiêm tốn ở một góc khuất. Có thể nói, mặt hàng đồ chơi truyền thống đang bị vắng bóng; sự “xâm nhập” của những mặt nạ quỷ, súng ống, trang phục quỷ quái… đang tạo ra một nét dị biệt cho ngày Tết Trung thu truyền thống. Đặc biệt, các loại đồ chơi ăn theo phim hoạt hình quốc tế đang xuất hiện nhan nhản trên các kệ nhà sách, tại các cửa hàng đồ chơi. Những đồ chơi nàyđang hút khách hàng nhờ bắt kịp thị hiếu cả trẻ nhỏ lẫn phụ huynh.Cuộc cạnh tranh càng trở nên khó khăn hơn cho đồ chơi giáo dục thương hiệu Việt khi có thêm “đối thủ” mới là chiếc máy tính bảng, điện thoại thông minh. Đồ chơi theo phim hoạt hình được quảng cáo giúp bé hóa thân vào các nhân vật trong phim hoạt hình, thỏa óc sáng tạo cho bé nên bán rất chạy.

 

Nhiều bậc phụ huynh muốn mua hàng Việt, nhất là những đồ chơi truyền thống, nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có đèn ông sao, đèn con thỏ, trống, mặt nạ bằng giấy bồi cổ truyền..., đơn điệu về kiểu dáng, mẫu mã; giá thành lại khá cao. Đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc thì vừa cập nhật kịp thời thị hiếu của trẻ, lại có nhiều phá cách, rất hấp dẫn trẻ em, giá thành vừa phải, chơi xong bỏ đi ngay cũng không tiếc. Vậy nên, không ngạc nhiên khi đồ chơi cổ truyền lại vắng bóng như hiện nay.

 

Nhiều người tiêu dùng khi so sánh đồ chơi nội và ngoại thường quan tâm đến vấn đề đắt hay rẻ hơn mà quên mất những giá trị thực đem lại từ món đồ chơi đó. Hầu hết đồ chơi sản xuất trong nước đều làm bằng phương pháp gia công truyền thống như bộ bàn cờ, bộ xếp hình bằng gỗ... sử dụng lâu, bền, được chú ý bởi vừa kích thích tư duy của bé, vừa an toàn. Đa số các bậc phụ huynh chia sẻ, đồ chơi trong nước đi theo tiêu chí “giáo dục cao”, ít có cải tiến mẫu mã, dẫn đến tính cạnh tranh không cao; quanh đi quẩn lại vẫn là học chữ, học số, bàn cờ vuông... kiểu dáng đơn giản. Điều đó cũng chính là những vấn đề các nhà sản xuất đồ chơi cho trẻ em trong nước cần nghiên cứu, đổi mới cho phù hợp, đảm bảo tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

 

Thực tế trên thị trường hiện nay, nhiều đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem bảo đảm chất lượng dán trên sản phẩm đang được đưa vào lưu hành ẩn chứa nhiều rủi ro. Cá biệt, có đồ chơi còn chứa chất độc hại, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sử dụng; một số đồ chơi hiện đại như Ipat mini phát ra âm thanh tục tĩu, dạy trẻ những hành động không đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ vẫn được bày bán. Đây không phải là vấn đề mới nhưng rất cần sự tích cực vào cuộc của các cơ quan chức năng.

 

Để tự bảo vệ mình, các bậc phụ huynh hãy nâng cao ý thức khi đi mua đồ chơi cho con trẻ, chỉ mua những sản phẩm có đầy đủ tem nhãn, ghi chú về chất lượng, an toàn… Đó chính là hành động thiết thực góp phần làm trong sạch thị trường đồ chơi và bảo đảm sức khoẻ, sự an toàn cho con em mình.

 

Và người dân cũng rất mong muốn cơ quan chức năng, các nhà quản lý thị trường hãy quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực đồ chơi trẻ em, nhất là vào những dịp như Tết thiếu nhi, rằm Trung thu để các cháu được vui chơi thoải mái với những đồ chơi hữu ích, kết hợp truyền thống với hiện đại, phù hợp với thuần phong mỹ tục của nhân dân ta.