Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này, Nghị định 60/2013/NĐ-CP (Nghị định 60) của Chính phủ quy định chi tiết Khoản 3, Điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc đã đi vào cuộc sống được hơn 2 năm. Tuy nhiên, tại Đồng Nai, hơn 80% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn không tổ chức hội nghị người lao động.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai cho biết: Các doanh nghiệp Nhà nước chấp hành rất tốt Nghị định 60, hàng quý tổ chức đối thoại với người lao động; hàng năm, 100% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Song, khối doanh nghiệp FDI lại cố tình lơ là, chỉ có gần 20% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động.
Nghị định 60 ra đời nhằm mục tiêu xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó, 2 nội dung trọng tâm là thực hiện đối thoại theo định kỳ 3 tháng/lần và tổ chức hội nghị người lao động hằng năm. Thời gian qua, Liên đoàn Lao động Đồng Nai đã phối hợp cùng Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh tuyên truyền, giúp doanh nghiệp nắm rõ nghị định nhưng do doanh nghiệp FDI chưa hiểu hết giá trị của đối thoại tại nơi làm việc cũng như lo ngại quy định bắt buộc doanh nghiệp khi tổ chức hội nghị người lao động phải công khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, công khai tài chính nên họ không muốn thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghị định. Liên đoàn Lao động chỉ có thể tuyên truyền, vận động, chứ không có chế tài xử lý nên doanh nghiệp vẫn chây ì.
Để doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định 60, Nhà nước cần đề ra những chế tài phù hợp; có hình thức xử phạt đối với những doanh nghiệp không tổ chức đối thoại định kỳ và hội nghị người lao động. Điều này góp phần nâng cao dân chủ ở nơi làm việc, đảm bảo quyền lợi của người lao động./.