Năm 2015 huyện Phú Lương có số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Các trường hợp này lại tập trung chủ yếu vào 80% số trường hợp sinh con thứ 3 thuộc các gia đình có điều kiện khá giả, có nhận thức đầy đủ và 77% là cặp vợ chồng có 2 con gái trở lên và muốn có con trai để nối dõi tông đường. Điều này đang gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, quản lý của cấp uỷ, chính quyền huyện Phú Lương.
Năm nay mới 22 tuổi nhưng chị Sùng Thị Tình dân tộc Mông, ở xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt đã có 3 đứa con. Dù đã có 2 con gái, nhưng chỉ vì muốn có con trai nối dõi tông đường, vợ chồng chị Tình vẫn quyết định sinh thêm con thứ 3, mặc cho cái nghèo vẫn còn đeo bám quanh năm. Vợ chồng trẻ, con nheo nhóc nên căn nhà tềnh toàng chỉ có duy nhất chiếc giường là tài sản đáng giá. Là hộ nghèo đặc biệt khó khăn, ít đất canh tác, hàng ngày, cả 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào lao động chính là chồng chị đi làm thuê. Chị Tình cho biết: “Chỉ vì muốn có con trai nối dõi nên vợ chồng tôi đã sinh thêm con thứ 3. Giờ mới thấy cuộc sống vất vả, khó khăn nhiều quá. Tôi hàng ngày phải ở nhà chăm con, nên chẳng có thời gian tham gia làm kinh tế...”.
Còn với gia đình chị Nguyễn Thị Hà và anh Hoàng Văn Ty, ở xóm Phân Bơi, xã Yên Lạc, mặc dù đã có 2 con gái lớn, cháu đầu đang học Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, cháu thứ hai đang học lớp 12, Trường THPT Phú Lương, nhưng vợ chồng chị vẫn “cố” sinh thêm con thứ 3. Đơn giản chỉ vì nghĩ rằng sau này hai đứa con gái lớn đi lấy chồng, chỉ còn 2 vợ chồng, nhà cửa chống vắng. Nghĩ đơn giản là thế, nhưng vợ chồng anh chị đâu biết rằng, khi sinh thêm con thứ 3, cuộc sống của gia đình sẽ bị đảo lộn. Một mình chồng chị sẽ phải gồng lưng gánh vác kiếm tiền nuôi 4 miệng ăn lúc chị ở cữ, chưa kể chồng chị sức khỏe không ổn định vì bị bệnh gan.
Gia đình chị Nguyễn Kim Huệ, anh Phạm Xuân Trường, ở xóm Phố Trào, xã Yên Đổ là một trong những hộ có tiếng giàu có ở địa phương. Sau 8 năm kết hôn, vợ chồng anh chị có với nhau 2 mặt con nhưng đều là con gái. Trong khi đó, anh Trường chồng chị Huệ lại là con trai trưởng trong nhà. Chính vì thế việc khao khát sinh “quý tử” cũng là điều dễ hiểu đối với một gia đình có điều kiện như anh chị.
Trên đây là 3 trong 66 trường hợp sinh con thứ 3 của huyện Phú Lương, trong đó có đối tượng là cán bộ, đảng viên của huyện. Những trường hợp vi phạm chính sách dân số này chưa có chế tài xử phạt mà chỉ dừng lại ở mức cảnh cáo và không được công khai. Điều này đang gây khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền, vận động của huyện Phú Lương.
Dự kiến đến hết năm 2015, huyện Phú Lương sẽ có 133 trẻ là con thứ 3 trở lên chào đời, tăng 37 trẻ so với năm 2014. Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bà Hoàng Thị Ba, Giám đốc Trung Tâm DS-KHHGĐ huyện Phú Lương cho biết: “Sinh con thứ 3 tăng, nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân, đặc biệt đối với những gia đình có con một bề là nữ. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở còn kiêm nhiệm, từ năm 2011, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số được tuyển về làm cán bộ Trạm y tế, chủ yếu làm công tác chuyên môn và ít dành thời gian cho công tác dân số. Đặc biệt, đội ngũ này lại là cán bộ ở các tỉnh khác về nên chưa hiểu địa bàn, đối tượng, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên liên tục...”.