Ngày 3/9, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV với sự tham gia của đại diện các bộ, cục, ban, ngành liên quan và những thành viên trong nhóm tự lực.
Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV không phải là mới nhưng là cần quan tâm trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau ở các môi trường: trường học, gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền sống, lao động, học tập của người nhiễm HIV. Đây cũng là một trong những rào cản lớn khiến cho người nhiễm HIV, người nghi nhiễm HIV không tiếp cận được với các biện pháp dự phòng và điều trị. Nếu tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn tiếp tục thì Việt Nam sẽ khó thực hiện được mục tiêu 90 – 90 – 90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người đang điều trị ARV có tải lượng ổn định dưới ngưỡng lây nhiễm). Vì vậy, Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu về giải pháp giảm phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm HIV; rà soát lại các văn bản, chính sách để đưa ra những vấn đề bất cập và đề xuất chỉnh sửa phù hợp tại hội thảo.
Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV, người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV. Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người có nhiễm HIV, vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV, bị nghi ngờ nhiễm HIV.
Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ: Kết quả nghiên cứu và Chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam chỉ ra rào cản trong việc hoàn thành mục tiêu 90 – 90 -90; xét nghiệm và điều trị của Việt Nam; thực hiện mục tiêu toàn cầu là chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Kết quả cho thấy tỷ lệ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn cao, điều này khiến cho những người có nguy cơ nhiễm HIV không muốn đi làm xét nghiệm sớm. Thêm vào đó, dịch vụ xét nghiệm, dự phòng và điều trị HIV có những nơi chưa thân thiện... Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nhiễm HIV chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử nhiều hơn mặc dù họ có trình độ học vấn, mức thu nhập cao hơn nhiều so với các nhóm khác...
Tại hội thảo, đại diện Chương trình phối hợp phòng chống HIV của Liên hợp quốc (UNAIDS) tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đã có một hành lang pháp lý rõ ràng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn khiến HIV lây lan nhiều hơn trong cộng đồng. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu 90 – 90 – 90 và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam phải hành động mạnh mẽ hơn, giảm và tiến tới không còn kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.../.