Chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng

09:03, 24/10/2015

Sau 6 tháng được triển khai tại tỉnh ta, mô hình Chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần sáng lọc, phát hiện và can thiệp sớm đối với những trường hợp có nguy cơ bị trầm cảm. Nhờ được can thiệp và tư vấn, điều trị kịp thời, nhiều người bệnh đã vượt qua những vấn đề về tâm lý, ổn định cuộc sống.


Vốn là một người từng phải đi điều trị 3 năm ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh, lại trải qua thất bại trong kinh doanh và mâu thuẫn gia đình đã khiến cho bệnh cũ anh N.M.H ở phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) tái phát. Thời gian đó, anh H. thường bị mất ngủ hàng đêm, rơi vào tình trạng hoang mang, mất niềm tin vào cuộc sống và nhiều lần có ý định tự tử. Phải đến tháng 4-2015, sau khi nhận được sự trị liệu tâm lý kết hợp sử dụng thuốc điều trị tình hình tâm lý của anh H. mới dần ổn định. Hôm gặp chúng tôi, anh phấn khởi: Đến nay, tôi đã có thể giao tiếp tốt với mọi người, tình trạng chán nản, hoang mang cũng ít xuất hiện hơn trước. Hiện, tôi đã bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng.

 

Không giống như anh H., chị T.T.V ở xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) không hề biết mình có những dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau khi sinh con. Bởi, dù tâm trạng thường xuyên chán nản, bị đau đầu và mất ngủ kéo dài nhưng chị vẫn sinh hoạt, lao động bình thường. Vì vậy, khi tham gia chương trình đánh giá, sàng lọc trầm cảm và nhận được kết quả bản thân có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao chị đã không dễ chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, nhờ sự kiên nhẫn giải thích, động viên, chia sẻ của các cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, chị V. đã đồng ý tham gia tư vấn, điều trị. Đến nay, bệnh trầm cảm của chị đã có tiến triển rõ rệt, cải thiện được tình trạng mất ngủ, có thêm niềm tin vào cuộc sống.

 

Chị Trần Bảo Khánh, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Trên thực tế, trầm cảm là một loại bệnh tương đối phổ biến trong xã hội hiện nay. Các biểu hiện của bệnh dễ nhầm lẫn với các cảm xúc thường ngày như giảm khí sắc, mất hứng thú, giảm năng lực ý chí, cảm giác có tội lỗi hay tự đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống và khả năng tập trung suy nghĩ làm việc kém. Theo các chuyên gia, nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng trầm trọng, bệnh nhân có thể có hành vi tự sát.

 

Trước thực tế đó, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với Tổ chức Sức khoẻ gia đình quốc tế (FHI 360) thực hiện Dự án sàng lọc - phát hiện sớm - tư vấn - hỗ trợ - điều trị cho người bệnh trầm cảm tại cộng đồng với các mục tiêu: Lồng ghép dịch vụ sức khoẻ tâm thần với hệ thống dịch vụ xã hội tại cộng đồng; thiết lập một hệ thống chuyển gửi, trao đổi thông tin giữa dịch vụ xã hội (ngành Lao động - Thương binh và Xã hội) và dịch vụ sức khoẻ tâm thần (ngành y tế); truyền thông giáo dục về chống kỳ thị đối với người bị bệnh trầm cảm tại khu dân cư. Trong đó, mô hình Chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng là một phần của Dự án. Tại tỉnh ta, Mô hình được triển khai từ tháng 4-9/2015 tại 4 xã, phường thuộc T.P Thái Nguyên, gồm: Cam Giá, Đồng Bẩm, Trung Thành, Phúc Xuân.

 

Triển khai mô hình, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tiến hành các hoạt truyền thông để người dân nắm được các hoạt động của mô hình và tham gia khám, sàng lọc phát hiện bệnh sớm. Trong 6 tháng, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức FHI 360, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã phối hợp với Bệnh viên Tâm thần tỉnh tiến hành đánh giá sàng lọc 373 trường hợp có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm (gồm: người có dấu hiệu, có vấn đề về sức khoẻ tâm thần; người mắc bệnh tâm thần mãn tính đang nhận thuốc hàng tháng tại cơ sở y tế; người chăm sóc nhóm đối tượng trên; nhóm nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị buôn bán, bạo hành; phụ nữ sau khi sinh con dưới 36 tháng tuổi). Qua đó, đã phát hiện và tổ chức giáo dục tâm lý, trị liệu cho 91 trường hợp, kết nối, chuyển gửi Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị cho 5 trường hợp. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các khóa tập huấn cung cấp kiến thức cơ bản về trầm cảm và mô hình chăm sóc phối hợp để cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công tác xã hội, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,  nhân viên Trạm y tế…

 

Với hiệu quả thiết thực, mô hình Chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng cần tiếp tục được triển khai và nhân rộng trong thời gian tới.