Chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng

11:20, 10/10/2015

Sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc các rối loạn về tâm thần mà còn là một tình trạng sức khỏe mà mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả, thành công và có thể đóng góp cho cộng đồng.

Ở Việt Nam, chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp (gồm tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, loạn tâm thần sau chấn thương sọ não, chậm phát triển tâm thần, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên, rối loạn tâm thần do rượu, ma túy) thì có khoảng 15% dân số (tương đương với khoảng 13 triệu người) mắc bệnh. Trên địa bàn tỉnh ta, mỗi năm có hơn 1.700 bệnh nhân tâm thần các thể được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh và hơn 5.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh được quản lý, chăm sóc và điều trị tại cộng đồng.

 

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Hiện 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh đã triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng nhằm phát hiện, quản lý và chăm sóc số bệnh nhân chưa được đưa vào quản lý, quản lý tốt số bệnh nhân cũ, lồng ghép hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức tâm thần và chương trình tâm thần cộng đồng cho các trạm y tế phường xã, cử cán bộ tham dự các khóa huấn luyện chuyên môn từ 3-6 tháng. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thông về sức khỏe tâm thần, tránh tư tưởng phân biệt đối xử, coi thường và miệt thị người bệnh. Nhờ có mô hình này mà trên 5.000 người bị tâm thần phân liệt và động kinh, 200 bệnh nhân mắc bệnh đồng cảm đã được quản lý tại cộng đồng và sự miệt thị đã được giảm bớt, theo thống kê có khoảng  60% tổng số bệnh nhân đã hồi phục, hòa nhập tốt với cuộc sống. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm đau khổ và vất vả cho cả bệnh nhân và gia đình họ.

 

Trong công tác điều trị nội trú, hiện nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh được giao chỉ tiêu 120 giường, nhưng số lượng bệnh nhân luôn ở mức 140-150 người. Bệnh viện đã cố gắng bố trí sắp xếp kê thêm giường để đảm bảo nhu cầu điều trị của bệnh nhân, hiện tại số giường thực kê là 178 giường. Bệnh viện không chỉ điều trị những bệnh nhân có các rối loạn tâm thần nặng, rối loạn tâm thần do nghiện chất mà còn triển khai mở rộng điều trị các rối loạn chức năng như: Đau đầu, mất ngủ, pakinson, các rối loạn sau tai biến mạch máu não, thiểu năng tuần hoàn não, mất trí và một số bệnh chuyên khoa thần kinh khác… Đây là nhóm bệnh có số bệnh nhân khá cao và là nhóm bệnh gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Để nâng cao chất lượng điều trị, Bệnh viện đã kết hợp nhiều phương pháp trị liệu như liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý và phục hồi chức năng, đồng thời tăng cường sử dụng thuốc chống loạn thần thế hệ mới với nhiều ưu việt so với thuốc chống loạn thần thế hệ cũ. Kết quả, có trên 90% bệnh nhân được điều trị ổn định có thể tái hòa nhập cộng đồng.

 

Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, song công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Hiện, Bệnh viện và Trạm Tâm thần còn thiếu hơn 20 bác sĩ mặc dù năm nào Bệnh viện cũng xây dựng kế hoạch tuyển song chưa thu hút được. Về cơ sở vật chất, Bệnh viện vẫn đang trong quá trình xây dựng chưa hoàn thiện, còn thiếu khoa người cao tuổi, Khoa Trẻ em, Khoa Thần kinh và một số phòng chức năng, nên bệnh nhân phải nằm ghép, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị. Công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng mới chỉ quản lý và điều trị chủ yếu cho 2 thể bệnh là tâm thần phân liệt và động kinh, các thể bệnh khác chưa được quan tâm, nhất là hiện nay số người mắc rối loạn tâm thần do nghiện rượu, nghiện game, đặc biệt là ảo giác do dùng ma túy đá ngày càng gia tăng, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành trong chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện chưa hiệu quả, gánh nặng chỉ thuộc về ngành Y tế và gia đình người bệnh…

 

Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội. Bên cạnh các nỗ lực của ngành Y tế cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan và cả cộng đồng thì công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần chắc chắn sẽ có những tiến bộ. Hãy chung tay vì sức khỏe tâm thần của mỗi cá nhân và của toàn xã hội.