Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết

10:40, 03/10/2015

Trước tình hình diễn biết phức tạp và có chiều hướng lan rộng của dịch sốt xuất huyết (SXH) tại các địa phương trong cả nước, mặc dù Thái Nguyên chưa phát hiện ca mắc bệnh SXH nào, nhưng công tác phòng, chống bệnh đã được các địa phương, ngành Y tế chủ động phòng chống.

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thông tin: Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh SXH luôn ở trong tình trạng báo động bởi các yếu tố dịch tế như: ổ dịch cũ tại địa phương, tiếp giáp với các tỉnh, thành phố có số ca mắc SXH cao, các khu công nghiệp lớn tập trung nhiều công nhân đến từ khắp các địa phương trong cả nước… Mặc dù trên thực tế từ năm 2012 đến thời điểm này, trên địa bàn chưa phát hiện ca mắc hoặc tử vong do SXH nhưng trước tình hình dịch bệnh SXH có xu hướng diễn biến phức tạp trong cả nước và khu vực phía Bắc trong thời gian tới và hoàn toàn có thể xuất hiện tại Thái Nguyên, nguy cơ gây dịch cũng hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có biện pháp phòng, chống dịch bệnh tốt.

 

Do vậy, ngay từ đầu năm 2015, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tham mưu với ngành y tế ban hành kế hoạch phòng chống bệnh SXH một cách chủ động, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch SXH trên địa bàn. Cùng đó, tổ chức tuyên truyền phòng chống bệnh SXH; tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế dự phòng và cán bộ làm công tác điều trị. Tại thời điểm dịch SXH có xu hướng gia tăng trên phạm vi cả nước, Trung tâm đã có văn bản yêu cầu các trung tâm y tế cấp huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch và chủ động tổ chức chức phun hóa chất diệt muỗi tại những nơi có mật độ muỗi, bọ gậy cao; tăng cường giám sát các ca bệnh tại cơ sở y tế trên địa bàn và củ động giám sát véc-tơ truyền bệnh tại những nơi từng là ổ dịch, nơi có nguy cơ cao. Thêm vào đó, đặc biệt giám sát các khu vực dễ xảy ra bệnh và lây lan thành dịch như: khu nhà trọ, trường học, bệnh viện…

 

Là một trong những ổ dịch cũ của tỉnh và là nơi tập trung khá nhiều doanh nghiệp với hàng nghìn lao động sống tại các khu nhà trọ, thời gian qua, T.P Sông Công đã tăng cường triển khai công tác phòng, chống SXH đến đông đảo người dân, cán bộ y tế tại địa phương. Bác sĩ Phạm Quang Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế T.P Sông Công cho biết: Ngoài thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH theo hướng dẫn của ngành y tế, chúng tôi còn tổ chức các lớp tập huấn về xử lý tình hướng trước, trong và sau khi phát hiện bệnh tại địa phương cho các cán bộ trạm y tế cấp xã và Trung tâm y tế.

 

Còn tại huyện Đại Từ công tác phòng chống bệnh sốt sốt huyết đã được triển khai từ cuối tháng 8. Thạc sĩ Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện chia sẻ: Thời gian gần đây, chúng tôi đã tăng cường triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gậy, lăng quăng nhằm làm giảm nơi sinh sản của véc tơ truyền bệnh. Trung tâm cũng đã chủ động tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở một số địa điểm: chợ, khu vực đông dân cư. Ngoài ra, Trung tâm đã giao cho các nhân viên y tế thôn bản thực hiện các hoạt động phòng chống SXH tại các hộ gia đình, gồm: tuyên truyền về bệnh SXH và các biện pháp phòng, chống; hướng dẫn hộ gia đình xử lý các ổ bọ gậy, lăng quăng, muỗi truyền bệnh; đôn đốc các hộ gia đình thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, loại trừ bọ gậy; kiểm tra, giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi SXH tại cộng đồng và báo cáo cho cán bộ trạm y tế…

 

Thạc sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh khuyến cáo: Đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh SXH và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để thiết thực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa thường xuyên; ngủ màn; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà…

 

Một số biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết:
-    Sốt (nóng) cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.
-    Xuất huyết (chảy máu) ở nhiều dạng: xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng... Cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói…
-    Có dấu hiệu sốc gồm: mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh…