Chuyên nghiệp hoá hoạt động công chức, chứng thực

11:00, 05/10/2015

Nhu cầu công chứng, chứng thực các loại giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ, các loại hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế ngày càng tăng cùng với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, hoạt động công chứng, chứng thực có thời điểm đã trở nên quá tải đối với mạng lưới cơ quan tư pháp các cấp. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước đã từng bước xã hội hoá công tác này và đem lại kết quả thiết thực.

Vấn đề xã hội hoá để từng bước chuyên nghiệp hoá hoạt động công chứng, chức thực đã được đề cập trong Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Thể chế quan điểm này, Luật Công chứng đã ra đời để cụ thể hoá khung pháp lý giúp cho hoạt động công chứng, chứng thực được thực hiện chuyên nghiệp, trở thành dịch vụ công không thể thiếu trong đời sống xã hội. Sau nhiều năm thực hiện Luật Công chứng đã khẳng định đây là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tạo ra những bảo đảm pháp lý quan trọng về quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo quy định của pháp luật; ngăn ngừa rủi ro, tranh chấp trong các quan hệ giao dịch dân sự, kinh tế...

 

Đối với hoạt động công chứng, chứng thực của tỉnh ta khá phát triển vì dân số đông, cộng thêm có hàng vạn cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên thuộc các cơ quan Trung ương, trường học, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Do vậy, ngay sau có chủ trương xã hội hoá hoạt động công chức, chứng thực, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh về việc phân cấp công tác cho cấp huyện, cấp xã; từng bước chuyển đổi các mô hình công chứng Nhà nước sang mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ một phần. Cùng với đó, là Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động đối với các văn phòng công chứng tư nhân. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 phòng công chứng trực thuộc Sở pháp và Phòng Tư pháp của 9 huyện, thành, thị thực hiện công tác công chứng, chứng thực; 100% UBND cấp xã trong tỉnh thực hiện hoạt động chứng thực. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 văn phòng công chứng tư nhân (Trung Thành, Nam Thái, Sông Cầu, An Chung và Văn phòng công chứng phía Nam) đang hoạt động công chứng khá chuyên nghiệp. Theo đánh giá của Sở Tư pháp, các tổ chức hành nghề công chứng trong tỉnh mỗi năm thực hiện khoảng 1,5 đến 2 vạn việc, với số phí thu được khoảng 6 tỷ đồng (nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1,5 tỷ đồng/năm).

 

Có mặt tại Phòng công chứng số 1 (Sở Tư pháp) chúng tôi thấy rất nhiều khách hàng là đại diện các tổ chức và cá nhân đến thực hiện giao dịch, như: Công chứng hợp đồng vay tiền, thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, bảo lãnh; công chứng hợp đồng liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất; thực hiện việc lập di chúc và các giao dịch về thừa kế khác; lập hợp đồng uỷ quyền, giấy uỷ quyền; cấp bản sao văn bản công chứng... Anh Lương Hữu Phước, Trưởng phòng Công chứng số 1 cho biết: “Hiện mỗi ngày làm việc, chúng tôi tiếp vài trăm khách hàng đến thực hiện các giao dịch về nhiều nội dung khác nhau. Qua tổng kết nhiệm vụ chuyên môn từ năm 2010 đến nay, chúng tôi đã thực hiện công chứng 22.507 việc với số phí thu được là trên 8,1 tỷ đồng. Lượng việc và số phí thu được đều tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước đó”. Hoạt động công chứng tại 5 văn phòng công chứng tư nhân cũng rất sôi động vì các loại văn bản, hợp đồng được công chứng có giá trị như thực hiện tại phòng công chứng của Nhà nước.

 

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Văn phòng công chứng Trung Thành cho biết: “Chúng tôi đang hoạt động rất thuận lợi vì được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan chức năng liên quan và nhu cầu công chứng của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh lớn do hiểu biết pháp luật của người dân được nâng lên”. Riêng hoạt động chứng thực các loại giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ…người dân thường đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã để thực hiện vì tiện đi lại và không phải chờ đợi lâu. Ông Trịnh Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Phan Đình Phùng cho biết: “Trong tất cả các ngày làm việc, lãnh đạo UBND phường đều bố trí trực để giải quyết nhu cầu chứng thực giấy tờ của người dân. Số lượng người đến chứng thực đông nên bình quân mỗi tháng, UBND phường thu được khoảng 10 triệu đồng tiền phí để đưa vào nguồn quỹ của địa phương”.

 

Từ thực tế xã hội hoá hoạt động công chứng, chứng thực thời gian quan cho thấy đây là lĩnh vực có vai trò lớn, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong nền kinh tế thị trường, giảm gánh nặng biên chế và chi ngân ngân sách…Do đó, ngoài việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này vẫn nên tiếp tục xã hội hoá để thu hút được nhiều thành phần có nguồn lực cùng tham gia thực hiện.