Ngày 6/10 tại Hà Nội, Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Châm cứu Trung ương tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật truyền nghề châm cứu giai đoạn 2012 -2015 nhằm đánh giá những mặt mạnh, những khó khăn vướng mắc trong quá trình truyền nghề, học nghề và hành nghề châm cứu, qua đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ để duy trì và phát triển sự nghiệp châm cứu của Việt Nam.
Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, GS.TSKH Nguyễn Tài Thu – Chủ tịch Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam; PGS.TS Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương chủ trì Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh, nền Y học cổ truyền Việt Nam nói chung và ngành Châm cứu Việt Nam nói riêng đã có lịch sử phát triển lâu đời, có tiềm năng và vai trò to lớn trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong nhiều thập kỷ qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam tổ chức kế thừa, đào tạo, nghiên cứu về lĩnh vực châm cứu nhằm đưa ngành châm cứu Việt Nam không ngừng phát triển.
Ngày nay phương pháp châm cứu đã và đang tích cực tham gia chữa bệnh cho người bệnh từ tuyến Trung ương đến các trạm y tế cơ sở đem đến cho người bệnh niềm tin chiến thắng với bệnh tật bởi châm cứu là một phương pháp chữa bệnh có hiệu quả cao. Châm cứu cũng tạo cơ hội cho người bệnh khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế bởi không tốn kém, đặc biệt đối với người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn nhiều khó khăn. Châm cứu Việt Nam không những được đánh giá là phương pháp chữa bệnh có hiệu quả cao, ít tốn kém mà nó còn được các nước trong khu vực cũng như nhiều nước trên thế giới ca tụng như những cây kim thần kỳ và mời chuyên gia châm cứu của Việt Nam sang mở lớn đào tạo, mở cơ sở khám chữa bệnh.
Châm cứu Việt Nam đã có quan hệ trao đổi khoa học kỹ thuật châm cứu với gần 50 quốc gia trên thế giới. Giáo sư Nguyễn Tài Thu của Việt Nam vinh dự là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội châm cứu thế giới (WFAS).
Hiện nay, ngành châm cứu Việt Nam đã không ngừng phát triển, chú trọng kết hợp các hình thức châm cổ điển như mãng châm, mang châm, hào châm với y học hiện đại như thủy châm, điện châm, nhĩ châm, tạo nên phương pháp châm cứ Việt Nam có kết hợp đông y và tây y để thực hiện các nội dung chính của châm cứu Việt Nam. Điển hình là mãng châm chữa bệnh cho trẻ em tàn tật và di chứng liệt, không nói được, không nghe được, không nhận thức được, viêm đa khớp dạng thấp…
Theo các đại biểu, hiện nay các cơ sở châm cứu tại các tỉnh, thành phố đến các xã, phường, thị trấn đang phát triển mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân do tình hình bệnh tật ngày càng phức tạp; đối tượng người bệnh chủ yếu là người cao tuổi, trẻ em tàn tật, các hộ gia đình khu vực miền núi, vùng sâu, xa… đòi hỏi nâng cao về số lượng và chất lượng các thầy thuốc châm cứu. Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến hoạt động truyền nghề châm cứu cho thế hệ trẻ bởi hiện nay số thấy thuốc giỏi phần nhiều đã cao tuổi, nhiều người đã qua đời…
Trong giai đoạn 2012-2015, Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam đã làm tốt công tác truyền nghề châm cứu đến 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong thời gian tới, Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam, Bệnh viện Châm cứu Trung ương tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác truyền nghề châm cứu tại tất cả các địa phương trong cả nước nhằm nâng cao trình độ, kỹ thuật cho các thầy thuốc, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân./.