Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến hết tháng 9 đã có hơn 90.000 lao động đi làm việc nước ngoài, vượt kế hoạch năm 2015 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề ra. Tuy nhiên do những biến động thời gian qua, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) thời gian tới dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Phải đảm bảo quyền của lao động
Việc ba lao động Việt Nam đi XKLĐ sang Algeria bị chủ sử dụng lao động đánh bị thương sau thời gian thử việc đã gây tâm lý hoang mang cho nhiều lao động chuẩn bị đi XKLĐ. Nguyên nhân do chủ sử dụng và người lao động không thống nhất được phương thức tính khoán khi chuyển hình thức làm việc theo công nhật sang hình thức khoán với giá thấp. “Sự không rõ ràng trong hợp đồng ký kết khi đưa lao động đi xuất khẩu đã khiến cho việc đàm phán lại đã không đạt được sự đồng thuận của người lao động, dẫn đến xô xát. Do đó Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp đưa lao động đi xuất khẩu phải thẩm định lại mức khoán xem tất cả công nhân đáp ứng được không”, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.
Việt Nam bắt đầu cử lao động tham gia XKLĐ tại thị trường Algeria từ năm 2013. Hiện có 15 doanh nghiệp XKLĐ đang phái cử khoảng 2.400 lao động đang làm việc, công việc chủ yếu là công nhân xây dựng với mức lương 600 - 800 USD/tháng. Tuy nhiên, người lao động phải chờ đợi khá lâu (4 - 6 tháng) để sang làm việc do thủ tục xin thị thực lao động phức tạp. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trước đó cũng đã xảy ra một số phát sinh tại thị trường Algeria liên quan đến chế độ trả lương, điều kiện làm việc. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp XKLĐ đã chủ động xử lý.
Hiện nay, các hợp đồng cung ứng lao động sang làm việc tại Algeria chủ yếu làm cho các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hoặc đầu tư tại đây. Do đó, sau sự vụ lao động Việt Nam bị chủ sử dụng lao động hành hung, để hạn chế các phát sinh, rủi ro, các doanh nghiệp cần đàm phán điều kiện hợp đồng chặt chẽ và thẩm định kỹ tư cách pháp nhân, năng lực tiếp nhận của đối tác.
Tăng cường thanh kiểm tra
Theo ghi nhận của phóng viên, do sự mất giá của đồng tiền của một số thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, đồng thời tình hình sản xuất khó khăn, cắt giảm giờ làm nên nhiều lao động muốn về nước. Anh Nguyễn Minh Đ (Phú Thọ) lao động vừa trở về từ Malaysia cho biết: “Sau khi quy đổi tiền công làm việc sang tiền Việt Nam thì thấy thu nhập thấp, công việc lại bấp bênh, nên tôi muốn về nước sớm”.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường quản lý và bảo vệ quyền lợi lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Cụ thể, với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), xuất hiện tình trạng các nhà máy lớn, đặc biệt là các nhà máy điện tử trước đây nhận nhiều lao động nước ngoài, hiện nay không nhận thêm hoặc thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm. Một số lao động Việt Nam do đó phải chuyển chủ, hoặc về nước trước hạn. Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc tại Đài Loan, đặc biệt là tại các nhà máy sản xuất điện tử, để kịp thời xử lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động; phối hợp với các đối tác và chủ sử dụng, tìm việc làm mới cho người lao động tại Đài Loan. Trường hợp người lao động phải về nước, doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần giải quyết đầy đủ quyền lợi và có phương án hỗ trợ.
Đối với các đợt tuyển dụng mới, Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý doanh nghiệp cần kiểm tra tình hình việc làm, thu nhập của nhà máy trước khi tổ chức đưa lao động sang. Trường hợp người lao động do doanh nghiệp đã đào tạo và làm thủ tục đưa đi xuất khẩu mà bị hoãn vì tình hình nêu trên, thì doanh nghiệp phải giải thích rõ với người lao động, có phương án giải quyết theo hướng giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người lao động.
Theo thống kê, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) chiếm hơn 50% thị phần XKLĐ Việt Nam trong 2 năm gần đây. Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan trên 160.000 người. Theo các chuyên gia XKLĐ, với tình trạng như hiện nay, xuất khẩu lao động trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2016 sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, do sự tăng trưởng mạnh của thị trường XKLĐ (tăng trưởng 22%) trong 2 năm qua, nên đã xuất hiện nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ vẫn tổ chức tuyển chọn, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do không được ký hợp đồng, bảo vệ quyền lợi, nên rất nhiều lao động gặp rủi ro, bị ngược đãi, xâm phạm quyền lợi.
Trước tình hình trên, Cục khuyến cáo người lao động chỉ nên đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ. Chỉ những doanh nghiệp đăng ký hợp đồng được cục thẩm định mới được phép tuyển chọn, cung ứng lao động. Hồ sơ đăng ký thẩm định hợp đồng của doanh nghiệp phải có hợp đồng ký kết với chủ sử dụng lao động, ghi rõ điều kiện làm việc, công việc, thu nhập và các quyền lợi khác của người lao động; các phương án bảo vệ người lao động khi gặp rủi ro ở nước ngoài.