Ghen là một trạng thái tình cảm vô cùng phức tạp, bí ẩn của con người. Từ xưa đến nay, ghen được cho là hiện tượng phổ biến trong tình yêu đôi lứa cũng như cuộc sống vợ chồng. Với nhiều người, đây là một thứ gia vị không thể thiếu trong tình yêu nhưng cũng có không ít trường hợp, chính xúc cảm này lại là nguyên nhân làm tình yêu rạn vỡ, hạnh phúc tiêu tan thậm chí đẩy người ta vào con đường tối tăm của tội lỗi.
Ghen - Gia vị của tình yêu!
Có yêu thì mới ghen - là khẳng định của nhiều người khi được hỏi về vấn đề này. Bởi nó thường gắn với mong muốn “sở hữu nửa kia” một cách chính đáng. Thông thường, ít người cảm thấy thoải mái nếu nửa kia của mình gặp gỡ, thân mật quá mức với người khác giới. Nhiều khi không cần gặp gỡ mà chỉ cần nửa kia nhắc đến ai đó với tần suất đáng “báo động” thì sự ghen tuông cũng có thể trỗi dậy và bùng phát bất kỳ lúc nào.
Trong tình yêu, ghen thường là thứ gia vị ngọt ngào giúp hai người hiểu rõ hơn về nhau, về vị trí cũng như tình cảm của nửa kia trong lòng mình. Nguyễn Quang Minh (thị trấn Đại Từ, huyện Đại từ) chia sẻ: “Mỗi khi người yêu tôi ghen, tôi thường chọn thời điểm thích hợp để cả hai được nói thẳng với nhau về những khúc mắc, hiểu lầm đang xảy ra. Đồng thời, tôi cũng thể hiện bằng hành động để cô ấy hiểu và tin tưởng mình. Qua mỗi lần như thế, chúng tôi hiểu hơn về nhau và tình yêu cũng thêm bền chặt, gắn bó”. Hay Lê Thị Anh (tổ 18, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên) cũng tâm sự: “Tôi đã từng ghen và chồng tôi cũng vậy. Lúc ghen cả hai thường im lặng nhưng sau đó khi hai vợ chồng nói chuyện với nhau thì mới vỡ lẽ đó chỉ là những hiểu lầm không đáng có. Giải thích xong, vợ chồng tôi lại phá lên cười và cảm thấy yêu nhau, hiểu nhau nhiều hơn.”
Có khá nhiều người cho rằng một chút ghen tuông, hờn giận sẽ làm cho tình yêu thêm nồng nàn, bền chặt bởi nó giúp hai người hiểu nhau hơn. Ghen sẽ là gia vị ngọt ngào khi người trong cuộc tỉnh táo, ý thức được việc làm của mình và đặc biệt khi nó xuất phát từ tình yêu, sự trân trọng và mong muốn thấu hiểu lẫn nhau để cùng vun đắp hạnh phúc lâu dài.
Ghen tuông - Nấm mồ chôn hạnh phúc?
Có lẽ do bản chất của tình yêu là khát vọng được dâng hiến và mong muốn cũng được “sở hữu” và được đền đáp bằng một sự hiến dâng trọn vẹn nên khi có dấu hiệu của sự “sẻ chia”, người trong cuộc thường khó chấp nhận.
Chia sẻ về vấn đề này, Nguyễn Văn Phương (Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên) thành thật: “Vì yêu nên tôi rất hay ghen. Chỉ cần trong điện thoại của người yêu xuất hiện tin nhắn tình cảm với người khác giới là tôi không kiềm chế được cảm xúc của mình. Lúc ấy, tôi thường cảm thấy bực tức và tổn thương mặc dù sự việc có thể chưa đến mức phải thế. Tôi hay có những suy nghĩ tiêu cực như dễ nổi cáu, ném đồ đạc, trút giận lên người yêu và cả những người xung quanh hoặc suy diễn đủ thứ về các mối quan hệ của người yêu. Chỉ vì ghen mà tôi đã đánh mất lòng tự trọng và tình yêu của mình”.
Tâm sự về nguyên nhân của trạng thái này, Lê Thị Hoa (Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên) thừa nhận: “Mình ghen vì luôn muốn bản thân là số 1 trong lòng đối phương, không muốn chia sẻ tình cảm cho người thứ ba. Đôi lúc vì cảm thấy không bằng người kia nên mình cũng tự ti và sợ người yêu mình sẽ chán. Khi có “dấu hiệu bất thường”, mình luôn tìm mọi cách để khai thác các thông tin về đối phương cũng như mối quan hệ của đối phương với người mình yêu. Vẫn biết thế là ích kỷ nhưng không sao làm chủ được suy nghĩ và tâm trạng của mình lúc đó”. Dường như, đây cũng là suy nghĩ và cảm xúc khá phổ biến của nhiều người khi ghen. Họ không chỉ có các biểu hiện đau đớn về tinh thần, tức giận, buồn bã, ghen tị, sợ hãi, lo lắng về hình ảnh của mình, tự xót thương mình mà còn có thể có những hành động hung hăng, thậm chí bạo lực.
Đặc biệt, trong cuộc sống hôn nhân, khi hai người đã được pháp luật thừa nhận về sự “sở hữu” cũng như trách nhiệm với nhau thì sự ghen tuông lại càng thể hiện rõ nét. Có nhiều người đã tự gắn cho mình cái mác “ghen” để người khác bỡn cợt, biến cả hai thành trò cười cho thiên hạ. Hay có người vì muốn thử lòng đối phương nên đã giả vờ quan hệ với người khác hoặc nhờ người đong đưa, tán tỉnh để kiểm tra độ thủy chung của vợ/chồng. Chị Trần Thị Thúy (tổ 20, phường Trung Thành, thành phố Thái Nguyên) tâm sự trong sự ân hận: “Chồng tôi là doanh nhân nên thường xuyên phải tiếp xúc với đối tác và khách hàng. Anh ấy đẹp trai và phóng khoáng nên có nhiều cô gái vây quanh. Có người còn công khai nhắn tin, gọi điện tán tỉnh anh ấy trong khi tôi chỉ ở nhà làm công việc nội trợ. Vì tự ti nên tôi hay ghen lắm! Tôi tìm mọi cách để kiểm soát các tin nhắn, cuộc gọi trong điện thoại cũng như qua mạng xã hội của anh. Tôi còn nhờ người cài đặt định vị để xem anh đã đi đến những đâu, thuê người theo dõi để xem anh đã gặp gỡ những ai. Tôi còn dùng sim rác hoặc vào tài khoản để “đóng giả” là anh hoặc là các cô gái khác để nhắn tin thử lòng. Trước khi về nhà, chồng tôi đều xóa hết các tin nhắn và cuộc gọi. Điều này lại càng làm tăng thêm mối nghi ngờ và ghen tuông trong tôi. Trước khi đi ngủ, tôi hay tra hỏi, vặn vẹo khiến anh vô cùng mệt mỏi. Một vài lần anh còn tha thứ nhưng có những lần tôi đã cư xử làm anh “bẽ mặt” trước đối tác. Anh giải thích gì tôi cũng không tin. Nhiều lần như thế, anh không chịu đựng được nên chúng tôi đã chia tay. Giờ đây, tôi hiểu ra thì đã quá muộn màng”.
Ghen hay bị ghen đều khiến những người trong cuộc tổn thương và đau khổ. Để duy trì hạnh phúc gia đình, một trong hai người không thể không chấp nhận sự hy sinh. Chị N.P.L (Công ty Bảo hiểm PVI, Chi nhánh Thái Nguyên) ngậm ngùi: “Là một nhân viên tư vấn bảo hiểm, bị lệ thuộc vào thời gian của khách hàng nên việc tôi đi sớm, về muộn là điều khó tránh. Đôi khi, tôi cũng phải đi ăn uống, tiếp xúc với khách hàng để ký được hợp đồng. Chồng tôi hay ghen nên đã không chấp nhận được điều đó. Có lần anh còn đánh đối tác của tôi vì nghi ngờ chúng tôi có quan hệ bất chính. Sau đó, rất nhiều nhiều chuyện rắc rối đã xảy ra. Vì thương con và cũng muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình nên tôi đã chuyển sang làm một công việc khác với thu nhập thấp hơn.”
Cuộc sống xã hội hiện nay vô cùng phức tạp. Lối sống phương Tây làm cho cách nghĩ của nhiều người “thoáng hơn”. Hiện tượng ngoại tình vì thế cũng ngày càng phổ biến. Có người chọn cách đánh ghen với tình địch, giận hờn, chì chiết đối phương hoặc tự hành hạ, hủy hoại bản thân mình nhưng cũng có những người cam chịu, bỏ qua, tha thứ cho nửa kia vì bị ràng buộc bởi trách nhiệm và con cái. Nhiều bài học trong thực tế đã cho thấy, nếu không kiểm soát được cảm xúc, tình cảm của bản thân thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Nếu ghen tuông một cách mù quáng sẽ dễ dẫn đến những lời nói, hành vi thiếu kiềm chế. Thậm chí nó chính là một trong những nguyên nhân gây nên rạn rỡ trong tình yêu, bi kịch trong gia đình và tội ác ngoài xã hội đúng như Maya Angelou đã nói: “Sự ghen tuông trong tình cảm giống như muối trong thức ăn. Một chút ít có thể làm vị trở nên đậm đà, nhưng quá nhiều sẽ làm hỏng vị và trong một vài trường hợp nhất định, có thể nguy hiểm đến tính mạng”.