Hãy bớt đi thói quen xa xỉ có được không?

11:14, 07/10/2015

Chả phải cứ đến tháng 10, chúng ta mới hay nhắc đến chuyện người nghèo, phát động tháng cao điểm vì người nghèo mà đó là trách nhiệm là việc làm thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành và toàn xã hội. Có thể thấy, chúng ta đã, đang và sẽ có nhiều hoạt động chăm lo cho an sinh xã hội "để đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" như mong muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Ở tỉnh ta, trong nhiều năm qua, Cuộc vận động vì người nghèo đã được triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... Hơn thế nữa, tỉnh đã triển khai và thực hiện rất có hiệu quả công tác giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo có điều kiện cải thiện, nâng cao cuộc sống, ổn định sản xuất... Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm giảm khá rõ.

 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này con số trên 28 nghìn hộ nghèo, chiếm 9,06% tổng số hộ cả tỉnh vẫn làm lãnh đạo các cấp, ngành và toàn xã hội trăn trở. Dưới mái nhà của hơn 28 nghìn hộ nghèo này là những mảnh đời, cuộc sống của những con người thiếu thốn nhiều thứ từ miếng cơm, manh áo đến những mong ước bình dị có ngôi nhà vững chãi hơn, có việc làm và thu nhập ổn định hơn, con cháu được cắp sách tới trường…

 

Nguyên nhân của đói nghèo cũng đã được đúc kết, trong đó phần nhiều do ý thức của người nghèo lười lao động, không tự vươn lên thoát nghèo; trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước; cách thức làm ăn, chi tiêu của người dân, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số không hợp lý nên dẫn đến nghèo; người dân nghèo do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kỹ năng canh tác, thiếu kiến thức, việc làm; nghèo do đông con, bệnh tật, già yếu cô đơn… Để hóa giải được những nguyên nhân ấy, đáp ứng những mong ước bình dị cơm áo, người nghèo còn cần lắm những tấm lòng hảo tâm và các cấp, các ngành còn nhiều việc phải làm.

 

Chưa cần phải nghĩ đến vi mô - vĩ mô làm gì cho to tát, việc phải làm đầu tiên có lẽ là tiết kiệm, tránh lãng phí. Lãng phí là có tội! Nhiều người bảo, biết là lãng phí, nhưng để thay đổi tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm thì quả là khó. Thế nên, ở đâu đó sự lãng phí vẫn xảy ra ngay cả trên bàn tiệc, trong các lễ hội, các hoạt động văn hóa, trong sinh hoạt của mỗi gia đình và thậm chí trên cả các công trình xây dựng hàng tỷ đồng nhưng lại không có người bảo quản, tu sửa dẫn đến xuống cấp bỏ hoang phí theo thời gian…!

 

Vì người nghèo, chúng ta hãy bớt đi tiệc tùng, lễ nghi rườm rà, những hạng mục không cần thiết và mỗi người hãy tự bớt đi thói quen xa xỉ trong đời sống hàng ngày có được không?