Hiến đất xây nhà văn hóa

10:04, 16/10/2015

Từ niềm khát khao xây được một ngôi nhà văn hóa để bà con nhân dân có nơi sinh hoạt, hội họp, trẻ em có chỗ để vui chơi, ông Nguyễn Văn Đức, xóm Nam, xã Tân Hương (T.X Phổ Yên) đã hiến 360m2 đất của gia đình, đồng thời vận động 6 hộ dân có đất liền kề cùng hiến đất xây nhà văn hóa.

Sinh ra và lớn lên vào đúng thời kỳ bom đạn chiến tranh đã hun đúc cho ông Nguyễn Văn Đức một ý chí kiên cường, không sợ khó, sợ khổ và tinh thần biết hy sinh và sẵn sàng hy sinh. Năm 1952 như bao thanh niên đồng trang lứa, ông Đức khao khát được góp sức mình để bảo vệ Tổ quốc, thế là ông đăng ký đi thanh niên xung phong tham gia mở nhiều tuyến đường, trong đó có đường lên Tây Bắc nhằm vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đi vào thời kỳ ác liệt, ông lại xung phong đi bộ đội và Trung đoàn 101, Bộ Tư lệnh Công binh và tham gia xây dựng các sân bay dã chiến như: Sao Vàng, Nghệ An, Đồng Hới… Nhớ lại những ngày gian nan đầy hiểm nguy, ông Đức tâm sự: Ác liệt nhất là quá trình xây dựng sân bay Sao Vàng (Thanh Hóa), có ngày giặc nã bom tới 12 trận, đơn vị ông đã có 1 người hy sinh và nhiều người bị thương.

 

Chiến tranh kết thúc, ông Đức chuyển nhiều đơn vị, trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng ở vị trí nào ông cũng luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ mà làm việc tận tâm, trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1990, ông nghỉ hưu trở về miền quê Tân Hương nghèo với ruộng lúa, nương ngô và được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Duyên Bắc. Thôn Duyên Bắc gồm 4 xóm: Nam, Bắc, Đông và Thành Lập. Lúc này, đời sống người nông dân ở đây còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 70%. Với cương vị là Bí thư Chi bộ, ông Đức đã tuyên truyền vận động bà con nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Để bà con làm theo bản thân ông đã gương mẫu chấp hành tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, nuôi 4 con ăn học, trưởng thành, vợ chồng sống thuận hòa, đoàn kết giúp đỡ xóm làng...

 

Từ những đóng góp tích cực đó, ông lại được tín hiệu tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ xã và được giao nhiệm vụ Thường trực Đảng ủy. Năm 1998, do điều kiện sức khỏe ông về nghỉ hẳn. Nói là về nghỉ hưu, song ông vẫn chưa chịu nghỉ, đời sống người dân khó khăn, giao thông đi lại vất vả khiến ông luôn trăn trở. Bởi thế, ông luôn cùng với các đồng chí cán bộ xã, xóm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Bản thân ông Đức năm 2013 đã tình nguyện hiến 360m2 đất bãi của gia đình ở trung tâm xóm để xây nhà văn hóa, đồng thời ông cũng vận động 6 hộ dân có đất gần đó tham gia hiến. Thế là, năm 2014 ngôi nhà văn hóa mới khang trang cùng với khuôn viên, sân, tường rào, cổng đã được xây dựng trên diện tích khoảng 1.600m2. Công trình có tổng kinh phí 440 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ trên 70 triệu đồng, phần còn lại do nhân dân trong xóm đóng góp.

 

Dẫn chúng tôi tham quan nhà văn hóa khang trang, rộng rãi, ông Nguyễn Văn Luyện, Bí thư Chi bộ xóm Nam phấn khởi khoe: Từ ngày có nhà văn hóa, mọi hoạt động của xóm đều được tổ chức tốt hơn, đây không những là nơi hội họp, sinh hoạt của bà con mà đã trở thành điểm để những người cao tuổi tập dưỡng sinh, trẻ con nô đùa mỗi buổi tối cuối tuần, qua đây tăng cường sự giao lưu, mối đoàn kết trong xóm làng. Xóm Nam có 80 hộ với hơn 300 nhân khẩu, trước đây do không có quỹ đất nên xóm không có nhà văn hóa, mỗi khi có hội họp đều phải mượn sân nhà dân để tổ chức, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao vì thế mà cũng không được duy trì. Nếu không có sự hy sinh lợi ích của bản thân và công lao vận động của ông Đức thì đến giờ xóm vẫn chưa có nhà văn hóa.

 

Không chỉ xây dựng được nhà văn hóa, trong vòng 2 năm trở lại đây, bà con xóm Nam còn hiến trên 1.000m2 đất, đồng thời đóng góp tiền, công lao động để xây dựng trên 4km đường giao thông nông thôn, qua đó phục vụ tốt nhu cầu đi lại của bà con, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Từ một xóm khó khăn của xã Tân Hương, cơ sở hạ tầng chưa có gì đến nay xóm Nam trở thành một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống, giúp nhau xóa đói giảm nghèo… Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ông Nguyễn Văn Đức.