Hiệu quả từ kỹ thuật chẩn đoán Gene Xpert

11:07, 09/10/2015

Từ cuối năm 2014, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã triển khai xét nghiệm và chẩn đoán bệnh lao bằng kỹ thuật Gene Xpert với ưu điểm thời gian chẩn đoán nhanh, độ chính xác rất cao. Từ đó giúp các bệnh nhân mắc lao được chẩn đoán và điều trị sớm hoặc xác định chính xác thể lao kháng thuốc để đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lao hiện nay.

Phát hiện mắc bệnh lao từ gần 1 năm trước, ông Nguyễn Đình Đề, 51 tuổi, ở xóm Khiu, xã Phục Linh (Đại Từ) đã điều trị ở một số cơ sở y tế nhưng không hiệu quả. Do mắc bệnh dài ngày cộng với tâm lý lo lắng khi không khỏi bệnh khiến ông không chỉ suy kiệt về sức khỏe mà còn suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Đầu năm 2015, ông Đề đến khám tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh. Tại đây, sau khi làm xét nghiệm bằng kỹ thuật Gene Xpert, các bác sĩ phát hiện ông đã mắc lao kháng thuốc, cần được điều trị theo phác đồ đặc biệt dành cho đối tượng bệnh nhân này. Sau 6 tháng điều trị nội trú tích cực đã cho kết quả âm tính với vi khuẩn gây bệnh lao và ông Đề được xuất viện, tiếp tục điều trị ngoại trú.

 

Ông Đề là 1 trong 13 bệnh nhân mắc lao kháng thuốc được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh ghi nhận thông qua kỹ thuật Gene Xpert và tiếp nhận điều trị từ cuối năm 2014 đến nay. Cùng với ông Đề, 2 bệnh nhân khác cũng đã được điều trị thành công giai đoạn “tấn công” của phác đồ điều trị lao kháng thuốc, cho kết quả xét nghiệm âm tính với vi khuẩn gây bệnh lao và được chuyển điều trị ngoại trú. Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ chuyên khoa I Đinh Thị Phương, Trưởng khoa Nội II - người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân lao kháng thuốc - cho biết: Trước đây, khi chưa triển khai kỹ thuật Gene Xpert, chúng tôi không thể chủ động phát hiện được bệnh nhân mắc lao kháng thuốc mà phụ thuộc vào tuyến trên, vì thế việc điều trị đạt hiệu quả thấp, không kịp thời. Với trường hợp nghi ngờ kháng thuốc, chúng tôi phải chuyển mẫu gửi tuyến trên để xét nghiệm. Trong khi đợi xét nghiệm, bệnh nhân không được điều trị theo phác đồ điều trị lao mà chỉ được điều trị triệu chứng. Chỉ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với lao kháng thuốc thì bệnh nhân mới được chuyển lên tuyến trên điều trị. Quá trình này mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của bệnh nhân và gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh lao ra cộng đồng...

 

Được biết, Gene Xpert là kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử mang tính đột phá, có thể giải quyết được những bất cập của các phương pháp xét nghiệm trước đây, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ rất ít với độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao. Kỹ thuật Gene Xpert tích hợp 3 công nghệ: Tách gien, nhân gien và nhận biết gien. Kỹ thuật này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng thực và khuyến cáo áp dụng trong công tác phòng chống lao. Tại nước ta, Bộ Y tế đã phê duyệt quy trình triển khai và yêu cầu thực hiện kỹ thuật này một cách hợp lý, sáng tạo, khoa học, rút kinh nghiệm để có thể triển khai mở rộng trong toàn quốc nhằm phát hiện sớm tất cả các thể lao trong cộng đồng, như đường lối chiến lược của Chương trình phòng chống lao Quốc gia trong giai đoạn mới đã đề ra.

 

Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên là một trong những cơ sở y tế đầu tiên của cả nước có máy Gene Xpert. Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Thị Thu Tiền, Trạm phó Trạm chống lao tỉnh cho biết: Trước đây, việc chẩn đoán lao phổi dựa vào xét nghiệm soi đờm trực tiếp. Giới hạn của kỹ thuật này là độ nhạy không cao, đã bỏ sót số lượng đáng kể bệnh nhân (nhất là với bệnh lao đa kháng thuốc, kỹ thuật này phải nuôi cấy mất nhiều thời gian và khó khăn trong việc vận chuyển mẫu đờm từ các địa phương tới đơn vị chẩn đoán). Đây là một rào cản lớn gây chậm trễ việc phát hiện và chỉ định điều trị bệnh lao đa kháng thuốc, khiến nhiều người có thể bị tử vong trước khi được điều trị.

 

Việc áp dụng kỹ thuật chẩn đoán nhanh Gene Xpert cho phép xác định được vi khuẩn lao với độ nhạy rất cao, quy trình đơn giản và cho kết quả nhanh (chỉ sau 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc Rifampicine hay không). Đây là kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, mang tính đột phá trong quá trình chẩn đoán và phát hiện bệnh lao, giúp bệnh nhân được điều trị bệnh sớm. Đến nay, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã thực hiện trên 500 mẫu cho kết quả chính xác rất cao.

 

Theo bác sĩ Ngô Thị Thu Tiền, việc xét nghiệm lao kháng thuốc bằng kỹ thuật Gene Xpert tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh không chỉ giúp các bệnh nhân giảm được thời gian, chi phí điều trị bệnh mà còn giúp Bệnh viện chủ động chẩn đoán và điều trị sớm cho bệnh nhân mắc lao, từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng chống lao Quốc gia trên địa bàn.