Muôn nẻo đường bưu tá

09:33, 14/10/2015

Bước chân không mỏi - câu nói đó đúng theo nghĩa đen khi nhắc đến những người làm bưu tá, nhất là bưu tá ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Mặc cho nắng nóng oi bức của ngày hè, hay cái rét căm căm của trời đông lạnh giá, bước chân của những người bưu tá vẫn đi tới khắp các thôn, bản để chuyển những cánh thư, tờ báo hay gói bưu phẩm đến tay người nhận.

Một buổi được theo chân ông Trần Thanh Bình, bưu tá của xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đi làm, tôi mới thấm thía những vất vả của nghề này. Ông bắt đầu công việc từ khoảng giữa trưa, bằng việc ra bưu điện văn hóa xã để nhận thư, báo và bưu phẩm mới chuyển tới. Tất cả được chất lên chiếc xe máy cũ ông mua lại của một người trong xã cách đây 5 năm. Trước đó ông thường đi xe đạp, ông bảo: “Tôi làm bưu tá của xã từ năm 1983, đến nay đã đi hỏng tổng cộng 4 chiếc xe đạp, tất cả tôi đều giữ lại để làm kỷ niệm”.

 

Hành trình của chúng tôi đi qua các xóm Tân Sơn, Tân Thịnh, Tân Thành rồi ngược những con đường “xóc lộn ruột” để lên các xóm Mong, Khe Cạn, Mỏ Nước. Là người dân tộc Kinh, quê gốc ở tỉnh Thái Bình lên xã vùng cao Văn Lăng lập nghiệp từ thời con trai trẻ, nhưng ông Bình gắn bó như ruột thịt với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đến mỗi nhà, ông lại dừng lại uống chén nước, hỏi thăm chuyện sản xuất và cuộc sống của bà con. Tiếng dân tộc Mông, Dao hay Tày, ông Bình đều nghe và nói được thành thạo. Ông chia sẻ: Lương của bưu tá mỗi tháng chưa đến 1 triệu đồng, tính ra chỉ đủ tiền xăng xe, nên tôi kiêm thêm làm Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, bảo vệ ở trụ sở UBND xã và cả Trạm trưởng Trạm bưu chính xã. Mỗi lần đi làm ông kết hợp công việc của bưu tá, đồng thời tìm hiểu những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để kết nối các tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.

 

Nói về nghề bưu tá, ông kể: Trước năm 1999, khi chưa có cầu treo Văn Lăng nối hai bờ sông Cầu, tôi phải đi thuyền để qua sông. Những hôm mưa gió, ông lái thuyền nghỉ thì chỉ có cách gửi xe rồi buộc hàng vào người để bơi qua sông. Hành trang đi đường luôn phải có là một chiếc áo mưa, túi ni lông loại tốt để bọc thư và báo, nguyên tắc làm việc của người bưu tá là bản thân có thể ướt nhưng hàng hóa thì tuyệt đối không được để ướt, hỏng. Giờ đường xá đã được cải thiện đáng kể, nhưng lên các xóm Liên Phương, Mỏ Nước hay Bản Tèn vẫn rất khó đi. Với những địa bàn như vậy, ông thường gửi xe máy ở chân núi rồi đi bộ ngược dốc hàng tiếng đồng hồ để lên bản. Ông bảo: Nhiều nơi sóng điện thoại còn rất kém, gửi người cùng xóm đưa giúp công văn mời họp hay bưu phẩm thì không yên tâm nên tôi phải đưa tận tay. Mỗi tháng 5-7 lần đi bộ ngược dốc lên Bản Tèn, đã quen từng bụi cây, tảng đá suốt dọc hành trình, nhiều hôm trời tối tôi phải đốt đuốc đề soi đường về.

 

Cũng có thâm niên làm bưu tá ở xã vùng cao Điềm Mặc (Định Hóa), nhưng ông Nguyễn Văn Bảo hơn 30 năm nay vẫn gắn bó với chiếc xe đạp cà tàng. Ông hóm hỉnh: Điềm Mặc có địa bàn rộng, gồm có 28 xóm (thuộc nhóm nhiều nhất huyện) và 31 chi bộ Đảng, 21 người dân tộc thiểu số uy tín có báo phát miễn phí nên nếu đi xe máy thì không đủ tiền xăng. Lý do chính là năm nay tôi đã 71 tuổi rồi, đi làm đến gia đình nào cũng quý, ngồi lại uống nước, đôi khi là chén rượu thì không thể từ chối, khi ấy cầm tay lái xe máy sẽ không vững, rất nguy hiểm. Hơn nữa, đi xe đạp cơ động hơn rất nhiều, có những đoạn đường nhỏ, lầy lội thì xe máy sẽ không thể qua được.

 

Bắt đầu làm bưu tá từ năm 1979, ông Bảo chỉ có 2 năm tạm nghỉ (2002 và 2003) thời điểm lần lượt mẹ và con trai qua đời, những người trẻ tuổi thay ông theo được một thời gian ngắn đã bỏ vì công việc quá vất vả. Giờ đã có cháu gọi bằng cụ, nhưng ngày nào ông cũng cùng chiếc xe đạp rong ruổi tổng cộng quãng đường hơn 20km, xóm xa nhất là Bình Nguyên cách trụ sở UBND xã 5km, các xóm Bản Bắc, Đồng Vinh, Bắc Chảu… cũng phải 2 đến 3km. Điều ông tự hào là chưa lần nào gửi công văn mời họp chậm hay làm thất lạc thư và bưu phẩm. Gắn bó với cơ sở nhiều nên ông hiểu hoàn cảnh từng nhà, nắm rõ từng người có khi còn hơn cả cán bộ xã. Ông chia sẻ: Một mình phụ trách nên dẫu ốm đau hay nhà có việc riêng cũng không tìm được người làm thay. Vất vả nhất là mùa mưa vì các xóm vấn chủ yếu là đường đất, chỉ có thể dắt xe chứ không đi được. Trên xe tôi lúc nào cũng có 2 đôi ủng để dự phòng, xe đạp cũ nhưng phanh, xích líp hay xăm lốp thì luôn luôn mới.

 

Hỏi lý do gắn bó với nghề bưu tá lâu như vậy, ông Bảo thật thà: Làm mãi thành quen, giờ không đi nữa tôi sẽ nhớ lắm. Với lại, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người tôi học được cách ứng xử, những kinh nghiệm hay trong sản xuất. Bản thân hai vợ chồng ông đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn canh tác một mẫu chè và gần mẫu lúa nước. Tiếp xúc với ông Bảo, tôi còn biết một chi tiết thú vị, đó là ông luôn để riêng một phần tiền trong ngăn cặp khi đi làm. Ông giải thích: Đến các gia đình, hễ thấy có nhiều giày dép ở cầu thang nhà sàn là tôi biết nhà có đám giỗ hoặc đầy tháng con, cháu. Những dịp như thế, gia chủ thường mời ở lại ăn cơm, tôi mang theo chút tiền tuy không nhiều nhưng gọi là làm quà cho gia đình.

 

Thêm một trường hợp làm bưu tá nữa tôi muốn nhắc đến là vợ chồng anh Nguyễn Hoài Thanh và chị Nguyễn Thị Oanh, nhân viên của Bưu điện huyện Phú Bình. Nhiều người thường gọi vui là “cặp bồ câu hạnh phúc” khi nhắc đến anh chị. Anh Thanh vào nghề từ năm 1984, vợ cũng đã ngót nghét 20 năm gắn bó với công việc đưa thư báo. Một ngày làm việc của hai vợ chồng thường bắt đầu bằng việc đến cơ quan nhận thư báo, phân loại gọn gàng rồi vận chuyển đến các xã và cơ quan trên địa bàn. Anh Thanh phụ trách 7 xã cụm phía Bắc của huyện Phú Bình cùng 13 cơ quan, đơn vị, còn chị Oanh đảm nhiệm việc đưa thư báo, bưu kiện cho 7 xã phía Nam và 6 cơ quan, đơn vị. Anh Thanh chia sẻ: Ngày nào cũng đi về hàng trăm cây số, khá vất vả nhưng tôi thấy quen thuộc với công việc này rồi, nghỉ một ngày cũng thấy nhớ. Cũng may hai vợ chồng cùng nghề nên cũng dễ hiểu và chia sẻ với nhau. Những hôm tôi xong việc trước, lại quay về giúp vợ cùng hoàn thành nhiệm vụ. Cá biệt có hôm cả hai vợ chồng nhiều việc và cần nhanh, chúng tôi nhờ đến cả con gái đang học lớp 10 để đưa thư báo ở những cơ quan, đơn vị ở trung tâm huyện. Nhiều người ở dân Phú Bình đã quen với hình ảnh hai vợ chồng làm bưu tá với cách ăn mặc giản dị, luôn cởi mở dễ gần. Tại ngôi nhà nhỏ tại xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn vào mỗi buổi tối anh chị lại mở hàng nước kiếm thêm chút thu nhập để nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống.

 

Còn nhiều nữa những tấm gương bưu tá đang ngày đêm xuôi ngược, bằng tình yêu và trách nhiệm với nghề, họ âm thầm đưa những cánh thư, trang báo hay bưu phẩm đến với các thôn, bản xa xôi. Tiếp xúc với họ, tôi có suy nghĩ rằng những người bưu tá không chỉ đơn thuần làm công việc chuyên môn, mà còn giống như một cán bộ dân vận nhiệt tình, luôn sâu sát với cơ sở để làm cầu nối quan trọng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân.