Người “nhạc trưởng” của Làng Vàng

09:00, 27/10/2015

Ở xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên), nhiều người gọi ông Bàng Văn Dướng, 57 tuổi, dân tộc Nùng, Trưởng xóm Làng Vàng là một “nhạc trưởng”, biết gom lại tiếng lòng của mọi người, tạo nên bản nhạc đồng quê khởi sắc.

Ông sống chân thành, mộc mạc, luôn hết lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, nên được bà con trong vùng quý mến. Nhưng khi hỏi chuyện “hành hiệp trượng nghĩa” ở đời, ông bảo: Là cái tính mình nó thế, thấy giúp được ai việc gì, mình làm ngay… Nhiều người cùng xóm Làng Vàng kể: Từ trước tới nay, ông Dướng thường giúp các hộ neo người việc cày, bừa, gặt hái nhưng không lấy tiền công của ai. Ông năng động, quyết đoán, hăng hái đi đầu trong phong trào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa giống mới vào sản xuất, như việc trồng thêm cây ngô vụ 3 trong năm; việc đưa giống ngô mới, giống lúa lai cho năng suất cao vào sản xuất đại trà.

 

Qua trò chuyện chúng tôi còn được biết: Gần hai mươi năm trước đây, đời sống của người dân xóm Làng Vàng nghèo khó, thiếu thốn quanh năm. Vào cữ giáp vụ, hơn 70% số hộ trong xóm thiếu lương thực, nhà Ông Dướng cũng phải ăn đắp đổi đợi vụ. Nhìn các con nhếch nhác, ông Dướng nghĩ: Tại sao mình là nông dân, mình lại phải chịu cảnh thiếu lương thực, trong khi ruộng, bãi bỏ cỏ, thả trâu. Bà Lý Thị Thoa, vợ ông cũng thở dài, nhìn chồng rồi bảo: Mình có sức ăn, nhưng chưa biết sức làm, ông đi nhiều, ông xem thiên hạ người ta làm ăn như thế nào, học lấy mà làm.

 

Được vợ khuyến khích, ông mạnh dạn làm đất trồng cây ngô vụ 3. Bà con thấy lạ, nhưng không dám hỏi. Để chắc ăn, vợ chồng ông mang cây ra làm rào chắn quanh ruộng, không để trâu, bò phá hại. Đất mới, cây ngô phát triển xanh tốt, bắp nào cũng to, chắc hạt. Thấy ông Dướng trồng ngô được bắp, bà con trong xóm vui lắm, cùng ông đi mua hạt giống về làm. Kể từ đó, bà con Làng Vàng biết trồng cây ngô vụ 3, nhờ vậy mà cái đói không còn gay gắt đối với người dân Làng Vàng. Đó là câu chuyện trước năm 2000, ông Dướng được bà con Làng Vàng ví như một thủ lĩnh, tiên phong trên mặt trận xoá đói, giảm nghèo, ngoài trồng cây vụ 3 là ngô, khoai lang, ông Dướng còn tích cực vận động bà con đóng góp tiền, ngày công đối ứng cùng Nhà nước xây dựng kênh mương, từng bước chủ động nước tưới cho mùa vụ. Do hăng hái, tích cực trước các phong trào sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá, năm 2002, ông Dướng được bà con bầu làm Trưởng xóm. Ông Dướng tâm sự: Được bà con chòm xóm đặt trọng trách lên vai, nhiều lúc thấy áp lực lớn lắm, khi đó xóm có 58 hộ, người dân tộc thiều số chiếm 90%, chủ yếu là các dân tộc Nùng, Sán Dìu, Tày, Sán Chí… và dân tộc Kinh, đa số trong xóm là hộ nghèo.

 

Làm Trưởng xóm, ông Dướng tích cực vận động bà con tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; vận động người có kinh nghiệm sản xuất giúp hộ chưa biết làm ăn. Bản thân ông cũng trực tiếp giúp đỡ một số nghèo việc làm đất, kinh nghiệm trồng ngô giống mới, cấy lúa lai, chăn nuôi gà, lợn. Trong xóm, một số thanh niên nghiện ma tuý do đi làm ăn xa trở về ông đến nhà, động viên cai nghiện, không cho lôi kéo, rủ rê người khác mắc tệ nạn xã hội. Nên nhiều năm nay, ở Làng Vàng không phát sinh người nghiện ma tuý. Những vụ việc xích mích trong xóm, hoặc mâu thuẫn gia đình, ông tìm hiểu kỹ rồi phân tích, giảng giải điều hơn, lẽ thiệt. Nghe lời khuyên của ông, nhiều gia đình trở lại sống hoà thuận, hạnh phúc.

 

Năm 2005, ông Dướng vận động bà con trong xóm tham gia đóng góp tiền xây dựng nhà văn hoá làm nơi hội họp. Thấy ông Dướng “nói đúng cái bụng”, bà con đều hăng hái tham gia. Các hộ: Bùi Thị Đàn, Ngô Thị Nụ, Đặng Hải và hộ Lương Thị Phương đã đổi ruộng để xóm có khu đất rộng hơn 300m2 liền thổ để xây dựng nhà văn hoá, sân chơi thể thao. Chỉ sau hơn 3 tháng, nhân dân xóm Làng Vàng đã đóng góp được 55 triệu đồng và xây dựng hoàn thành ngôi nhà văn hoá rộng 90m2, có sân khấu, với hơn 80 chỗ ngồi, toàn bộ khu vực sân được đổ xi măng, cát. Trong suốt 10 năm nay, khu nhà văn hoá, thể thao của xóm đã thực sự phát huy hiệu quả, trở thành một trong những địa điểm hằng ngày bà con chòm xóm đến hội họp, trao đổi tâm tư tình cảm và rèn luyện thể dục thể thao.

 

Ngày tháng Mười, từng khu đồng của người dân Làng Vàng vừa qua mùa thu hoạch, bà con đang hối thúc nhau cầy lật đất trồng cây ngô vụ 3. Tiếng máy cày nổ ròn, rền tan vào trong nắng. Thấp thoáng trên cánh đồng có bầy trâu nhàn tản gặm cỏ, từng đàn vịt ríu rít nhặt thóc rơi, khung cảnh thanh bình, ám áp gợi sự no đủ. Ông Dướng bảo: Nông thôn mới của Làng Vàng được bắt đầu từ sự chuyển đổi trong tư duy, nhận thức của mỗi người về cách làm kinh tế, về quan niệm sống mình vì mọi người. Điều đó được thể hiện qua những mùa vụ gối nhau cho thóc, ngô đầy bồ mỗi nhà, gà chạy vàng sân, xe máy đi thay chân người. Hiện Làng Vàng có 75 hộ, 287 nhân khẩu, xóm không có hộ nghèo.

 

Người Làng Vàng đã tự “lột xác”, thoát nghèo đói. Được như thế phải nhắc tới công sức của các đảng viên trong chi bộ xóm, luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu phong trào sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, trong đó có ông Bàng Văn Dướng. Năm 2013, ông Dướng cùng Trưởng Ban công tác Mặt trận và đại diện các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, từ 2,5 mét lên 5 mét. Ngay từ cuộc họp đầu, bà con thấy ông Dướng nói phải lý, dơ tay biểu quyết, sẵn sàng hiến đất để đường xóm, ngõ được mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại phục vụ đời sống, sản xuất chung.
Liên quan đến việc mở rộng tuyến đường, 33 hộ đã hiến được 2.050m2. Sau hiến đất, nhân dân xóm Làng Vàng đóng góp thêm 370 ngày công lao động để chặt hạ cây, tháo rỡ tường rào giải phóng mặt bằng và đóng góp được 28 triệu đồng thuê máy gạt làm phẳng mặt đường của xóm. Năm 2014, được Nhà nước hỗ trợ xi măng làm đường bê tông nông thôn mới, ông Dướng lại cùng các thành viên Ban Công tác Mặt trận tuyên truyền, vận động bà con ủng hộ tiền đối ứng xây dựng, 1 khẩu 1,5 triệu đồng.

 

Tin tưởng vào Ban xây dựng xóm do ông Dướng phụ trách, nhiều gia đình đã bán bò, bán trâu, gà, lợn, thóc lúa để lấy tiền đóng góp. Điển hình như gia đình ông Lương Công Khánh, đã bán bò; gia đình ông Bàng Văn Cao, đã bán trâu; một số hộ có kinh tế khó khăn như gia đình bà Hứa Thị Loan; gia đình ông Nông Văn Thanh và bà Bùi Thị Đàng, 86 tuổi ở cùng con gái cũng tham gia nộp tiền làm đường bê tông. Chuyện làm đường bê tông, ông Nông Văn Sơn cho biết: Gia đình tôi có 11 khẩu, đóng liền lúc 16,5 triệu đồng, song cả gia đình đều phấn khởi, tin tưởng đóng góp ngay.

 

Trước ngày Tết năm 2015, xóm Làng Vàng đã làm được 1.822 mét đường bê tông. Được đi trên con đường bê tông sạch đẹp, lời chúc mừng năm mới giữa mọi người thêm chan hoà, ấm áp. Rồi công việc đồng áng của người lớn, việc đến trường học chữ của trẻ em được thuận lợi… Trên đồng làng, ở khu vực Nhà văn hoá, hoặc ở một đám cưới hỏi có đông người tập trung, bà con thường thường nhắc tới ông Bàng Văn Dướng, người Trưởng xóm của Làng Vàng đã lặng lẽ góp công sức, bền bỉ cùng người dân đưa vùng quê nghèo vượt tháng, ngày gian nan, đến bến bờ no ấm.

 

Từ những việc làm bình dị của mình, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen: “Có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2009-2014”. Ngoài ra, ông còn được các cấp, ngành chức năng của tỉnh, huyện tặng nhiều Giấy khen trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội.